Multimedia Đọc Báo in

Quản lý giao thông: Cần có chế tài mạnh mẽ, gắn trách nhiệm vào cơ sở

08:28, 05/11/2012

Có lẽ chưa năm nào và chưa bao giờ ùn tắc và tai nạn giao thông lại khiến báo chí, dư luận quan tâm nhiều đến như vậy. Các cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương “mất ăn, mất ngủ” để chống ùn tắc và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tính mạng và tài sản của người dân do tai nạn giao thông gây ra.

Hằng năm tháng 9 được chọn là Tháng An toàn giao thông (ATGT), riêng năm 2012 là Năm ATGT. Ngay từ đầu năm Chính phủ đã vào cuộc và được nhân dân nhiệt liệt hưởng ứng. Song đây đó vẫn không ngớt những cảnh tang thương do tai nạn giao thông (TNGT) gây ra. Theo báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia, 6 tháng đầu năm 2012, toàn quốc đã xảy ra 17.886 vụ tai nạn giao thông, làm chết 4.953 người và bị thương 19.977 người - những con số đáng để giật mình!

Điển hình là vụ tai nạn xe lao xuống cầu sông Sêrêpôk đêm 17-5 làm 34 người chết, 22 người bị thương, khiến những người vô tâm nhất cũng phải thảng thốt, bàng hoàng. Vụ tai nạn xảy ra ngày 21-7, tại thị trấn Núi Thành, huyện Núi Thành (Quảng Nam) làm 8 thành viên cùng gia đình ở huyện Krông Ana vừa xuống khỏi xe khách Dak Lak - Đà Nẵng ghé vào ăn sáng và chờ người thân đến đón đi dự đám cưới ngày hôm sau với 7 người tử nạn, trong đó có 5 em nhỏ. Ngày 23-8 vụ lật xe tại dốc Truông Vên, Quốc lộ 48 huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) làm 3 người chết, 35 người trọng thương. Mới đây nhất ngày 14-9 tại Dak Song (Dak Nông) lại một vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra: Xe tải đông lạnh biển kiểm soát 63…004 - 35 đã tông thẳng vào xe buýt biển kiểm soát 47V- 001- 93 thuộc Công ty cổ phần Vận tải ô tô Dak Lak làm 1 người chết, 20 người bị thương, lại một lần minh chứng công tác phòng tránh, hạn chế TNGT chưa thực sự hiệu quả như mong đợi. Nguyên nhân và hậu quả của TNGT dường như tất cả mọi người đã biết, đã thấy: do ý thức người tham gia giao thông quá kém; hạ tầng giao thông không theo kịp sự phát triển của xã hội, các cơ quan giám sát, thi hành luật pháp chưa nghiêm, chưa triệt để…

Để hạn chế tình trạng tai nạn giao thông, thiết nghĩ cần sớm đưa công nghệ hiện đại vào giám sát, quản lý; cần khuyến khích xã hội hoá giao thông, đầu tư, thực tiễn hóa việc lắp camera, máy đo tốc độ gắn cố định khắp nơi trên các quốc lộ, tỉnh lộ. Máy gắn ở cung đoạn thuộc phường, xã nào giao hẳn địa phương đó lên kế hoạch bảo vệ thiết bị, giám sát, gửi giấy thông báo, thu tiền phạt… và được Nhà nước trả lương. Từ đó tiến tới việc quan sát, xử lý vi phạm trên hệ thống máy vi tính, hạn chế dần việc tuần tra, kiểm soát của lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, bởi việc tuần tra kiểm soát trên đường về lâu về dài không phù hợp với sự phát triển ồ ạt của các phương tiện giao thông cơ giới trong giai đoạn mới. Bên cạnh đó cũng cần có chế tài mạnh mẽ, gắn trách nhiệm vào cơ sở. Trách nhiệm về phương tiện an toàn, cũng như các biện pháp bảo đảm vệ sinh môi trường, tình trạng kỹ thuật của phương tiện vận tải đã có các cơ quan kiểm định đánh giá định kỳ thường xuyên; cơ quan đăng kiểm phải chịu trách nhiệm về tình trạng kỹ thuật của các xe theo thời gian lưu hành mà mình đã cấp (trừ các sự cố ngoài dự tính). Việc còn lại dành cho các cơ quan quản lý bến xe, nơi xuất nhập hàng hóa. Với xe khách, các đơn vị quản lý trực tiếp hay gián tiếp, các bến xe nơi đến và đi… các cơ quan này sẽ bị phạt, hoặc dừng hoạt động nếu để các xe chở quá số lượng khách quy định ghi trong giấy phép lưu hành ra khỏi bến. Tương tự đối với xe tải, chỉ xuất hàng theo giấy phép lưu hành, theo đúng tải trọng mà xe đó được phép chở; phải bảo đảm không một chiếc xe nào được chở quá khổ, quá tải theo giấy phép lưu hành đi ra khỏi kho hàng, bến bãi tham gia giao thông… Chỉ với việc giám sát chặt chẽ từ “gốc” như thế mới hạn chế được các hiện tượng vi phạm quá khách, quá tải; tình trạng kỹ thuật phương tiện cũng sẽ tốt hơn; xe không vượt tải sẽ hạn chế được tai nạn do hư hỏng, gãy vỡ, nổ lốp, mất phanh, mất lái…; tài xế cũng tự tin hơn khi tham gia giao thông. Và việc kiểm tra, giám sát tại chỗ và xử lý ngay từ khâu đầu tiên như vậy cũng sẽ ngăn chặn được những lái xe coi thường luật pháp.

Bên cạnh đó, xã hội phát triển, nhu cầu về giao thông cơ giới ngày càng cao, đòi hỏi đội ngũ lái xe phải được đào tạo cơ bản, chuyên nghiệp. Đa số tài xế hiện nay là tài chạy thuê, hoặc hợp đồng ngắn hạn; công nhân, lái xe thuê đã và đang bị các chủ doanh nghiệp kinh doanh vận tải “lãng quên”, hoặc vô tình hay cố tình trốn tránh về những quyền lợi mà đáng lý họ được hưởng, do vậy cần phải bảo đảm thu nhập cũng như các quyền, lợi ích cơ bản mà Luật Lao động quy định đối với người tài xế. Đây cũng là một vấn đề không nhỏ và không thể xem nhẹ trong việc giải bài toán giao thông trên cả nước.

Trương Nhất Vương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.