Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện kế hoạch số 69 về xử phạt người đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn: Chưa xử phạt, chỉ nhắc nhở, tuyên truyền

17:03, 04/07/2014

Cùng với lực lượng CSGT trong cả nước, bắt đầu từ 1-7, lực lượng CSGT Công an tỉnh Dak Lak tiến hành ra quân xử phạt người tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm (MBH) không đạt chuẩn theo Kế hoạch số 69/KH-UBATGTQG, ngày 18-4-2014 của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia. Tuy nhiên, trước mắt, hiện nay lực lượng CSGT vẫn chỉ tuyên truyền, nhắc nhở là chính chứ chưa xử phạt…

Có mặt trên tuyến giao thông Nguyễn Tất Thành (TP. Buôn Ma Thuột), Thượng úy Đoàn Văn Quân, Đội CSGT số 3 (Công an tỉnh) cho biết: trong ngày đầu ra quân, lực lượng chức năng chỉ tuyên truyền, nhắc nhở người tham gia giao thông chứ chưa xử phạt. Theo tìm hiểu từ phía người dân, đa số không biết hoặc nắm không rõ về quy định này, nên họ vẫn sử dụng MBH không bảo đảm chất lượng. Chị Nguyễn Thị Sen (TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ: sáng 1-7 đi trên đường, thấy nhiều người bị CSGT “tuýt còi”, tôi cứ nghĩ họ xử phạt về vi phạm tốc độ cho như hằng ngày, nhưng hỏi ra mới biết lực lượng này đang xử phạt hành vi liên quan đến MBH. Khi được hỏi về quy định từ 1-7-2014 rằng người đội MBH không đúng chuẩn sẽ bị xử phạt, thì chị nói không hay biết. Còn anh Nguyễn Thanh Hiền (huyện Krông Buk) khi lực lượng CSGT nhắc nhở về việc đội MBH không đạt chuẩn đã tỏ ra ngạc nhiên vì không biết có quy định này. Ở địa phương anh có rất nhiều người vẫn đội MBH loại này,  vì thấy rẻ thì mua, chứ không phân biệt được đâu là mũ không đạt chuẩn, đâu là mũ đạt chuẩn.

Lực lượng chức năng tuyên truyền, nhắc nhở người dân  đội MBH đạt chuẩn.
Lực lượng chức năng tuyên truyền, nhắc nhở người dân đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn.

Trong khi lực lượng chức năng đang tiến hành kiểm tra, nhắc nhở việc đội mũ bảo hiểm thì các điểm kinh doanh MBH tự phát vẫn mọc lên nhan nhản. Chỉ tính trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã có đến hàng chục điểm bán MBH không đúng quy chuẩn, có giá từ 20.000 - 100.000 đồng một chiếc, nhất là tại các điểm có nhiều người qua lại như khu vực Bến xe liên tỉnh chợ Tân An, chợ Ea Tam hay khu vực tập trung nhiều học sinh, sinh viên xung quanh Trường Đại học Tây Nguyên. Dạo một vòng quanh cổng chợ Tân An, có đến 5 điểm bày bán MBH “rởm” với đủ màu sắc, chủng loại và giá cả. Đối với các mũ có giá 20 - 50.000 đồng, bằng mắt thường cũng phân biệt được đó không phải là MBH có chức năng bảo vệ cho người sử dụng, với các dấu hiệu nhận dạng bên ngoài như: mũ chỉ có 1 lớp nhựa mỏng, không có lớp xốp bảo vệ bên trong, không nhãn mác, không nơi sản xuất và không có tem chứng nhận về tiêu chuẩn kỹ thuật.

Thực tế, một số người bán thừa biết quy định cấm bán MBH kém chất lượng, MBH “rởm” nhưng vẫn vi phạm. Chị Út, người bán MBH trên đường Lý Tự Trọng (gần khu vực chợ Tân An) cho hay: loại mũ lưỡi trai có giá 20.000 đồng này đã bị cơ quan chức năng cấm, nhưng lỡ nhập về rồi nên phải bán để lấy lại vốn, nếu có người đến kiểm tra thì sẽ cất, giấu đi! Thậm chí, có nhiều trường hợp còn mua MBH cũ rồi tân trang bằng cách tẩy, rửa thành MBH mới tinh, có giá tương đương với 1 sản phẩm chất lượng. Điều đáng nói ở đây là không hề thấy cơ quan quản lý hay lực lượng chức năng nào tiến hành kiểm tra, xử lý đối với những điểm kinh doanh này.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.