Multimedia Đọc Báo in

Tham gia giao thông an toàn: Hãy vì nụ cười con trẻ (Kỳ 1)

08:21, 02/10/2018

Kỳ 1: An toàn giao thông cho trẻ - Ý thức của người lớn

Mặc dù các quy định bắt buộc khi tham gia giao thông đối với trẻ em đã có từ lâu, song do thói quen và sự thờ ơ của người lớn nên tình trạng vi phạm các quy định này vẫn diễn ra phổ biến.

Từ sự thờ ơ…

Trên các tuyến đường từ nông thôn đến thành thị, chúng ta dễ bắt gặp hình ảnh các bậc phụ huynh chở con em mình trên xe gắn máy, nhưng không hề đội mũ bảo hiểm (MBH) cho con. Thậm chí, có những trường hợp mặc dù có treo MBH ở xe để đối phó khi có lực lượng cảnh sát giao thông hoặc chiều theo ý muốn của trẻ nên không thực hiện đội MBH cho con em mình. Quan sát tại các trường học giờ đến lớp và lúc tan trường không khó để bắt gặp nhiều trường hợp phụ huynh chở 3 – 4 em học sinh không đội MBH hoặc đội mũ nhưng không cài quai. Hành động này vô tình tạo thành thói quen xấu ngay từ nhỏ, là nguyên nhân dẫn đến ý thức chấp hành các quy định khi tham gia giao thông một cách đối phó về sau của trẻ.

Thêm vào đó, tình trạng một số phụ huynh đưa đón con em mình đến trường và về nhà chở trên xe từ 3 đến 4 em ngồi vắt vẻo, khả năng té ngã, tai nạn giao thông sẽ rất cao. Có mặt tại các điểm trường, nhất là bậc tiểu học vào giờ tan trường, chúng tôi chứng kiến rất nhiều phụ huynh chở 3, chở 4 lỉnh kỉnh cặp sách, hầu hết các em không được đội MBH. Vẫn biết, do điều kiện, một số gia đình không sắp xếp được thời gian đưa đón con đến trường nên thường nhờ người quen hoặc thay nhau đưa đón. Song việc để con em mình đến lớp trong trường hợp ngồi chen chúc nhau trên một chiếc xe, nguy cơ tai nạn khó tránh khỏi.

Phụ huynh chở con em trên xe gắn máy nhưng không đội mũ bảo hiểm.  (Ảnh chụp trên đường Phan Bội Châu, TP. Buôn Ma Thuột).
Phụ huynh chở con em trên xe gắn máy nhưng không đội mũ bảo hiểm. (Ảnh chụp trên đường Phan Bội Châu, TP. Buôn Ma Thuột).

Không chỉ thờ ơ với việc đội MBH, chở 3, chở 4 trên xe gắn máy, mà nhiều phụ huynh còn tin tưởng, sẵn sàng giao xe cho con em mình tự lái xe dù chưa đủ tuổi rất nguy hiểm cho bản thân các em và những người tham gia giao thông trên đường. Thực tế, một số em khi điều khiển xe máy dàn hàng 3, 4 nói chuyện, đùa giỡn, phóng nhanh, vượt ẩu tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông. Điều này được một số phụ huynh phân trần, do khoảng cách từ nhà đến trường xa, lại không có thời gian đưa đón nên đành làm liều giao xe cho con đi học, dù biết thế là rất nguy hiểm.

Đến những hậu quả đau lòng

Theo đánh giá của lực lượng chức năng, không ít vụ tai nạn giao thông (TNGT) đã xảy ra do sự bất cẩn của người lớn dẫn đến hậu quả đau lòng đối với con trẻ. Theo nhận định của các ngành chức năng, trẻ em vốn dễ tổn thương, một khi xảy ra TNGT thì tỷ lệ tử vong rất cao hoặc mang di chứng nặng. Báo cáo từ Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho thấy, nạn nhân là trẻ em chiếm khoảng 35% trong số các vụ TNGT. Tại Đắk Lắk, số liệu từ Phòng CSGT – Công an tỉnh cho biết, 9 tháng năm 2018 (từ 15-11-2017 đến 16-8-2018) toàn tỉnh xảy ra 17 vụ TNGT liên quan đến trẻ em, làm chết 8 người, bị thương 23 người. Trong đó nguyên nhân trực tiếp từ trẻ em xảy ra 7 vụ.

Theo đánh giá của Ủy ban ATGT Quốc gia, hiện nay tỷ lệ người đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa còn thấp, đặc biệt, tỷ lệ trẻ em từ 6 tuổi trở lên đội mũ bảo hiểm chỉ đạt ở mức 30-40%. Trong khi đó, việc không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe gắn máy là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong khi bị TNGT.

 Điều đáng tiếc, mặc dù trẻ còn nhỏ tuổi, chưa ý thức được sự nguy hiểm khi tham gia giao thông không an toàn, song không ít bậc phụ huynh vẫn để con em mình tự chơi, di chuyển băng ngang trên các tuyến đường, chỉ đến khi tai nạn xảy ra mới hối hận thì đã quá muộn. Đơn cử như vụ TNGT xảy ra vào giữa tháng 6-2018 trên đường nông thôn đoạn qua xã Ea Đrơng (huyện Cư M’gar) khiến em N.T.H.T 4 tuổi bị tử vong tại chỗ. Nguyên nhân được xác định do em T. qua đường không có người lớn đi cùng, dẫn đến bị xe máy kéo cán qua.

Phụ huynh chở “kẹp 4” đón con em đi học về. (Ảnh chụp đường giao thông trên địa bàn xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột).
Phụ huynh chở “kẹp 4” đón con em đi học về. (Ảnh chụp đường giao thông trên địa bàn xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột).

Bên cạnh đó, cũng không ít trường hợp trẻ bị tai nạn do người lớn tham gia giao thông không bảo đảm an toàn. Chẳng hạn như vụ tai nạn xảy ra vào lúc 15 giờ, ngày 31-1-2018 tại thôn Bình Lợi, xã Cư M’lan (huyện Ea Súp) giữa xe máy cày và xe đạp, khiến em B.T.L (SN 2007, trú xã Cư M’lan) bị tử vong tại chỗ. Nguyên nhân được xác định do người điều khiển xe máy cày đi không đúng phần đường dẫn đến tai nạn. Tương tự, vào cuối năm 2017, trên Quốc lộ 27 đoạn qua xã Krông Nô (huyện Lắk) cũng xảy ra vụ tai nạn thương tâm, khiến một bé gái 4 tuổi tử vong. Thông tin cho biết, thời điểm xảy ra tai nạn, chiếc xe máy chở theo 3 người, gồm một người lớn và 2 trẻ nhỏ bị té đổ, nạn nhân ngã ra đường, sau đó bị ô tô đi ngược chiều cán qua tử vong tại chỗ, nguyên nhân được xác định do ô tô lấn sang phần đường người đi xe máy.

Vấn đề ý thức khi tham gia giao thông của người lớn có tác động rất lớn đến hành động của trẻ, nhất là ở lứa tuổi mầm non, tiểu học. Do đó, việc chấp hành đúng các quy định khi tham gia giao thông của các bậc phụ huynh được xem là tấm gương để trẻ học theo và hình thành thói quen tốt khi trẻ trưởng thành.

(Còn nữa)

Kỳ 2: Chung tay bảo vệ trẻ em trước hiểm họa giao thông

Hoàng Tuyết - Thùy Dung

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.