Multimedia Đọc Báo in

Nỗi niềm của những người gác rừng

11:08, 19/09/2010

Dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn của mưa gió và biết bao hiểm nguy luôn rình rập nhưng họ - những cán bộ Lâm trường Buôn Ja Wầm vẫn chưa bao giờ muốn bỏ rừng. Họ đã và đang từng ngày, từng giờ giữ lại màu xanh cho đại ngàn.

Rừng Buôn Ja Wầm hiện nay có diện tích hơn 9.300 ha gồm 2 Tiểu khu 547 và 550 (trong đó có 400 ha trồng cà phê và 770 ha trồng cao su), nằm cách trung tâm TP. Buôn Ma Thuột gần 50 km và phải mất hơn 1 giờ đồng hồ chúng tôi mới vào đến cánh rừng hoang vắng. Lâm trường nằm trên địa bàn 2 thôn thôn 6 và thôn 10, xã Ea Kiết (huyện Cư M’gar) và tiếp giáp với các huyện Buôn Đôn, Ea Súp, Ea H’leo. Đến Lâm trường chúng tôi được gặp anh Phan Trọng Cần, Phó Giám đốc Lâm trường, nhà ở huyện Cư Kuin nhưng tình yêu với núi rừng đã níu kéo anh gắn bó với những cánh rừng nơi đây. Dẫn chúng tôi đi quanh lâm trường, chỉ vào đống gỗ đủ loại mà anh và đồng đội vừa mới tịch thu được từ bọn lâm tặc, anh hồ hởi kể về công việc gác rừng của mình: Sinh năm 1964 ở Hà Tĩnh, năm 1987 anh theo gia đình vào Dak Lak lập nghiệp. Kể từ ngày đó, đất rừng luôn gắn bó với anh cho tới tận hôm nay. Anh Phan Trọng Cần vào làm ở Lâm trường này được gần 15 năm (từ năm 1996), trong số 21 anh, em cán bộ lâm trường nơi đây, có lẽ anh là người từng trải hơn cả. Chỉ tay về xa xa, nơi hằng ngày anh và đồng đội đi tuần tra ở rừng, anh cho biết: Ngoài công việc mỗi ngày đi tuần tra, phát hiện, ngăn chặn hoạt động của lâm tặc, vào mùa nắng nóng, những người gác rừng còn phải kiêm cả công việc phòng cháy, chữa cháy rừng. Trước đây, lâm tặc thường đi vào ban ngày để xẻ gỗ, chúng thường đi thành đoàn nhưng từ khi cán bộ kiểm lâm làm chặt, chúng lại thay đổi thời gian đi vào ban đêm nên gây nhiều khó khăn cho lực lượng tuần tra. Mùa mưa, lâm tặc ngưng vận chuyển gỗ vì đường đi khó khăn, nhưng lại khai thác rồi giấu gỗ trong rừng, đợi nắng lên chuyển ra đi bán. Gần 15 năm trong nghề, anh đã chứng kiến và trải qua hàng trăm vụ đối mặt với bọn phá rừng. Chừng đó thời gian cũng đã làm cho con người anh thêm gắn bó với từng cánh rừng và nắm rõ mọi quy luật hoạt động của bọn lâm tặc.

Anh Phan Trọng Cần, Phó Giám đốc Lâm trường hằng ngày vẫn miệt mài với công việc gác rừng.
Anh Phan Trọng Cần, Phó Giám đốc Lâm trường hằng ngày vẫn miệt mài với công việc gác rừng.
Anh nhớ lại các cuộc chiến đẫm máu với bọn lâm tặc: Đó là, khoảng 21 giờ ngày 2-1-2009, khi được người dân báo tin có 4 tên là Nguyễn Đức Tịnh, Phạm Thiện Giáp (quê Hà Tĩnh) tạm trú tại thôn 10, xã Ea Kiết cùng Võ Phúc Đức, Lê Đình Nghiệm thường trú tại thôn 6, xã Ea Kiết dùng 5 xe bò kéo vận chuyển gỗ lậu thuộc Tiểu khu 550 của Lâm trường thì lực lượng bảo vệ của Lâm trường phát hiện và yêu cầu các đối tượng cùng đồng bọn đưa xe bò chở gỗ về trụ sở Lâm trường để làm việc, nhưng các đối tượng không đồng ý mà còn có những lời lẽ thô tục và thách thức. Anh Lê Xuân Nguyễn (cán bộ Lâm trường) phải điện thoại về cho anh Nguyễn Thanh Nam, Quyền Giám đốc Lâm trường xin tăng cường lực lượng đến bảo vệ hiện trường và áp tải xe gỗ về, nhưng bọn lâm tặc đã điện cho đồng bọn vào rừng gây khó dễ, chống lại cán bộ Lâm trường và đánh anh Nguyễn Kim Nhật (SN 1990) bị trọng thương (18%). Hay vụ việc năm 2008, anh Nguyễn Kim Mưu (SN 1990 cán bộ Lâm trường) bị đối tượng Lê Văn Thuật dùng súng đạn chì bắn trọng thương, tổn hại sức khỏe trên 60%. Đến nay đầu đạn vẫn còn nằm trong gan chưa phẫu thuật lấy ra được.
Anh Nguyễn Kim Mưu và vết đạn bắn đến nay vẫn chưa gắp được đầu đạn ra khỏi cơ thể.
Anh Nguyễn Kim Mưu và vết đạn bắn đến nay vẫn chưa gắp được đầu đạn ra khỏi cơ thể.
Hoặc anh Lê Xuân Nguyên (cán bộ Lâm trường) là người đã nhiều lần bị lâm tặc dùng cưa máy đuổi theo nhằm sát hại nhưng không thành. Anh Nguyễn Dương Lệ, công tác tại lâm trường đã 16 năm kể lại: Năm 2008, lúc anh cùng đồng đội bắt quả tang lâm tặc khai thác gỗ trái phép, đang lập biên bản thì bị hơn 20 tên ập đến tấn công, đồng đội may mắn chạy thoát được còn anh bị kẹt lại trong vòng vây của bọn chúng. Bị đánh đập đến ngất xỉu nhưng sau đó đã được đồng đội đưa đi cấp cứu kịp thời nên mới bảo toàn được tính mạng.
Anh Lê Xuân Nguyên đang kể về vết thương anh gặp phải khi làm nhiệm vụ.
Anh Lê Xuân Nguyên đang kể về vết thương anh gặp phải khi làm nhiệm vụ.
Hay như vụ án mới đây nhất (ngày 26-10-2009) làm anh Phan Quốc Tán (cán bộ Lâm trường) hy sinh khi đang áp tải bọn lâm tặc về trụ sở, anh Lê Xuân Nguyên phải khâu 40 mũi, thương tật 10% và anh Nguyễn Dương Lệ dập lồng ngực, thương tật 18%....
Anh Nguyễn Thanh Lộc và cánh tay bị gãy do lâm tặc hành hung khi làm nhiệm vụ.
Anh Nguyễn Thanh Lộc và cánh tay bị gãy do lâm tặc hành hung khi làm nhiệm vụ.
Hầu hết các cán bộ đang công tác tại Lâm trường cho biết, chuyện bị thương trong khi làm nhiệm vụ xảy ra như cơm bữa. Mỗi khi có tin báo, phát hiện ra bọn lâm tặc đang khai thác gỗ trái phép phải nhanh chóng chuyển người cùng tang vật về cơ quan ngay, nếu chậm trễ lâm tặc sẽ huy động đồng bọn đến áp đảo để giải thoát người và cướp lại tang vật; đêm ngủ không yên giấc là chuyện thường nhật, mỗi lần nghe tin báo của đồng bào dân tộc thiểu số có lâm tặc đang hoạt động là phải lên đường ngay, không thể chậm trễ. Ngoài việc phải đối mặt với biết bao hiểm nguy đến bất cứ lúc nào từ lâm tặc, anh em cán bộ của Lâm trường còn phải đối mặt với bệnh sốt rét rừng mỗi mùa mưa đến. Vào mùa mưa, mỗi khi đi tuần tra (thường đi bằng xe máy) nếu chẳng may gặp trời mưa thì anh em chỉ còn cách “gánh” xe lội qua các con suối… Khó khăn là vậy nhưng các anh vui vì đã góp phần mang lại màu xanh cho núi rừng giữa đại ngàn.

Anh Phan Trọng Cần, cho rằng: Rừng ngày càng ít mà lâm tặc thì ngày càng liều lĩnh. Quy định về chức năng của cán bộ bảo vệ rừng cùng công cụ hỗ trợ khi làm nhiệm vụ rất hạn chế nên lâm tặc coi thường và manh động. Để cán bộ Lâm trường yên tâm gắn bó với nghề thì trong thời gian tới cần có công cụ hỗ trợ hợp lý và có chế độ thỏa đáng nếu cán bộ Lâm trường gặp thương tích trong khi thi hành nhiệm vụ.

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc