Multimedia Đọc Báo in

Cái giá của những phút nông nổi

08:36, 18/08/2013
Vào đêm 12-5, tại ngã 4 thuộc thôn Tân Quảng, xã Ea Toh (huyện Krông Năng) có một nhóm 3 thanh niên cầm gậy, đá chặn đầu các xe máy và ô tô cướp tiền; trong đó có một xe ô tô, do lái xe không đưa tiền đã bị chúng đập vỡ kính cửa xe trị giá 2 triệu đồng. Sau khi nhận tin báo của các nạn nhân, Công an xã Ea Toh đã khẩn trương xác minh, điều tra, làm rõ vụ án. Nhưng kết quả điều tra lại khiến cho Ban Công an xã bất ngờ, bởi thủ phạm gây ra các vụ cướp không phải như suy đoán ban đầu mà lại là 2 sinh viên và 1 thanh niên lâu nay vẫn có tiếng là hiền lành ở địa phương.
3 đối tượng Thông, Giang và Nguyên  (từ phải sang) tại Cơ quan Công an  huyện Krông Năng.
3 đối tượng Thông, Giang và Nguyên (từ phải sang) tại Cơ quan Công an huyện Krông Năng.

Đó là Lê Hồng Giang (SN 1994) ở xã Dliê Ya; Nguyễn Thế Thông (SN 1991) và Dương Bình Nguyên (SN 1992) cùng trú tại xã Ea Toh. Trong số này, Nguyên và Giang đều đang học Cao đẳng Kinh tế ở TP. Hồ Chí Minh, còn Thông thì đang chuẩn bị xuất cảnh đi lao động ở Hàn Quốc. Chiều hôm đó chúng được một người bạn mời đi nhậu cùng với một số bạn khác. Thông đã đem cầm một chiếc điện thoại di động lấy 200.000 để góp vào nhậu chung. Nhậu xong, Thông rủ Giang và Nguyên cùng nhau đi chặn xe xin tiền để sáng hôm sau uống cà phê.  Trong đêm đó, chúng đã gây ra 4 vụ, lấy 240.000 đồng. Số tiền này Thông đã dùng để chuộc lại điện thoại của mình. Sau khi bị bắt, Nguyên, Giang và Thông tỉnh trí, hối hận về hậu quả từ hành vi do mình gây ra thì đã quá muộn màng.

Qua tìm hiểu được biết, nhà Nguyên có 8 anh em, từ anh cả đến anh thứ 4 đều tốt nghiệp hoặc đang học đại học, cao đẳng; hai em kế cũng vừa thi đại học xong với số điểm rất khả quan, còn cô em út thì sắp bước vào lớp 12 và học cũng giỏi. Bố của Nguyên là một thương binh hạng ¾, bị bệnh tai biến mạch máu não đã nhiều năm nay nên mẹ của Nguyên phải cáng đáng những việc lớn trong nhà để nuôi con ăn học. Nguyên đã học năm thứ 2 nên bố, mẹ hy vọng một năm nữa  Nguyên tốt nghiệp ra trường có thể đi làm và phụ giúp cha, mẹ, các anh nuôi các em trưởng thành; nhưng những kỳ vọng đó đã bị đổ vỡ trong chốc lát.

Còn đối với gia đình Thông tại thôn Tân An, không khí buồn bã cũng không kém. Nhà Thông có 2 anh em, Thông là con trai lớn. Bố của Thông cũng từng đi bộ đội. Cuộc sống gia đình Thông còn nhiều khó khăn. Thông nghỉ học sớm ở nhà rẫy nương giúp gia đình. Gần đây, bố mẹ của Thông đã đi vay 120 triệu đồng với lãi suất 3%/tháng để lo cho Thông đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc. Thông cũng vừa học xong lớp tiếng Hàn và chỉ còn chờ ngày lên máy bay xuất ngoại. Bố mẹ Thông hy vọng, sau vài năm con trai chăm chỉ làm việc nơi xứ người sẽ dành dụm được một số tiền vừa đủ để trang trải nợ nần và vừa có một số vốn để lập nghiệp, giúp đỡ gia đình.  Ước mơ ấy phút chốc bị Thông biến thành mây khói, trong khi đó, số tiền đi vay cứ lãi mẹ đẻ lãi con nên nợ nần ngày càng chồng chất. 

Sau vụ việc xảy ra, 3 thanh niên: Nguyên, Giang và Thông đã tự tay khép lại cánh cửa tương lai rộng mở cho mình và sa chân vào lối rẽ nghiệt ngã. Câu chuyện đáng buồn của Giang, Nguyên và Thông cùng gia đình là một bài học đắt giá, đáng suy ngẫm.

Trọng Tính


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.