Multimedia Đọc Báo in

Điều tra vụ phá rừng quy mô lớn tại rừng đặc dụng Nam Kar

14:08, 12/12/2019

Công an huyện Krông Ana cho biết, cơ quan này đang tạm giữ 7 đối tượng tham gia vụ phá rừng đặc dụng Nam Kar (thuộc địa phận xã Bình Hòa, huyện Krông Ana) với quy mô lớn.

Các đối tượng gồm: Trần Văn Anh (SN 1973), Vũ Ngọc Trương Quốc Duy (SN 1980), Trần Văn Ánh (SN 1978), Trần Hồng Phúc (SN 1998), Phạm Văn Hoàng (SN 1995), Trần Quang Thái (SN 1983) và Trần Nhật Tân (SN 1984) cùng trú tại xã Bình Hòa, huyện Krông Ana.  

Trước đó, sau khi tiếp nhận một số thông tin báo chí phản ánh về vụ việc phá rừng quy mô lớn ở tại lâm phần quản lý của Ban Quản lý rừng đặc dụng Nam Kar, trong tháng 11-2019, Công an huyện Krông Ana đã nhanh chóng xác lập chuyên án, phối hợp với các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh và các ngành chức năng tiến hành khám nghiệm hiện trường, thu thập chứng cứ.

Tại đây, lực lượng công an phát hiện có 13 cây gỗ tròn và 22 cây gỗ hình hộp (gỗ thuộc các nhóm III đến nhóm VIII) đã bị cưa xẻ, chưa kịp đưa ra khỏi rừng, tổng khối lượng 41,267 m3. Tất cả số gỗ này được khai thác tại các tiểu khu 1023, 1024, 1025 thuộc lâm phần của Ban Quản lý rừng đặc dụng Nam Kar quản lý. 

f
Các đối tượng trong vụ khai thác gỗ trái phép tại cơ quan điều tra

Tại cơ quan công an, đối tượng Trần Văn Ánh khai nhận: Từ khoảng tháng 9-2019, Ánh và một số người vào rừng đặc dụng Nam Kar cưa cây về xẻ thành phản để sử dụng. Sau đó có một số người đặt hàng nên họ đã tổ chức khai thác gỗ số lượng nhiều để bán.

Theo Công an huyện Krông Ana, ngoài khối lượng gỗ khai thác trái phép được phát hiện tại các điểm tập kết trong rừng, lực lượng chức năng còn thu giữ 2 máy tời, 3 cưa lốc và 1 con trâu tại hiện trường; đồng thời tiến hành thu giữ nhiều tấm phản, gỗ hộp không có giấy tờ hợp pháp tại nhà của những người dân sống gần rừng.

Hiện Công an huyện Krông Ana đang tiếp tục mở rộng điều tra để xử lý các đối tượng trên cũng như làm rõ trách nhiệm của chủ rừng và các cơ quan quản lý, bảo vệ rừng.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.