Về Luật Biển Việt Nam năm 2012
1. Tôi nghe nói nước ta vừa có Luật Biển Việt Nam, đề nghị cho biết đôi điều về Luật này?
Ngày 21-6-2012, Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội Khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua và có hiệu lực thi hành vào ngày 1-1-2013. Luật có 7 chương, 55 điều, quy định bao quát các vấn đề quy chế pháp lý các vùng biển Việt Nam và điều chỉnh các hoạt động trong các vùng biển này.
2. Biển Việt Nam bao gồm những gì?
Theo Điều 1 và Khoản 1 Điều 3 của Luật thì biển Việt Nam bao gồm nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam.
3. Thế nào là chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia về biển?
Theo Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 mà Việt Nam là thành viên (gia nhập năm 1994) thì:
- Chủ quyền nghĩa là vùng biển đó là bộ phận của lãnh thổ (như đất liền); trong vùng biển này, quốc gia đó có toàn quyền quyết định, không phụ thuộc hay lệ thuộc vào quốc gia nào. Các vùng biển thuộc chủ quyền gồm nội thủy, lãnh hải.
- Quyền chủ quyền là quyền quốc gia ven biển được hưởng trên cơ sở chủ quyền đối với mọi loại tài nguyên thiên nhiên cũng như đối với những hoạt động thăm dò, khai thác vì mục đích kinh tế (bao gồm cả việc sản xuất năng lượng từ nước, hải lưu, gió...); quyền tài phán là thẩm quyền riêng biệt của quốc gia ven biển được quy định, cấp phép, giải quyết và xử lý đối với một số loại hình hoạt động, các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình trên biển (trong đó có việc lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình, nghiên cứu khoa học về biển, bảo vệ và gìn giữ môi trường biển). Các vùng biển thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia gồm vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
4. Tôi thấy vùng biển bao gồm rất nhiều khu vực (nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải…). Vậy, việc xác định ranh giới các khu vực này dựa trên yếu tố nào?
Việc xác định ranh giới các khu vực này trên vùng biển Việt Nam dựa vào đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải (gọi tắt là đường cơ sở).
Theo Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 thì có 2 loại: Đường cơ sở thông thường (là ngấn nước triều thấp nhất dọc theo bờ biển) và đường cơ sở thẳng (là đường cơ sở nối liền các điểm thích hợp và được áp dụng ở nơi nào bờ biển bị khoét sâu và lồi lõm hoặc nếu có một chuỗi đảo nằm sát ngay và chạy dọc theo bờ biển; hoặc ở nơi nào bờ biển cực kỳ không ổn định do có một châu thổ và những điều kiện tự nhiên khác).
Theo Điều 8 của Luật thì đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam là đường cơ sở thẳng do Chính phủ công bố; hiện Việt Nam đã có Tuyên bố xác định đường cơ sở từ đảo Thổ Chu đến đảo Cồn Cỏ - năm 1982, là cơ sở để xác định các vùng biển (nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế) và thềm lục địa Việt Nam. Một số khu vực chưa có đường cơ sở (như Vịnh Bắc Bộ và các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa) thì Chính phủ sẽ xác định và công bố sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn.
5. Trên yếu tố đường cơ sở, các khu vực của vùng biển Việt Nam được xác định ra sao?
Theo các Điều 9, 11, 13, 15, 17 của Luật, dựa trên đường cơ sở, các khu vực của vùng biển Việt Nam được xác định như sau:
- Nội thủy là vùng nước tiếp giáp với bờ biển, ở phía trong đường cơ sở.
- Lãnh hải là vùng biển có chiều rộng 12 hải lý tính từ đường cơ sở ra phía biển (1 hải lý bằng 1.852 mét).
- Vùng tiếp giáp lãnh hải là vùng biển tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, có chiều rộng 12 hải lý tính từ ranh giới ngoài của lãnh hải.
- Vùng đặc quyền kinh tế là vùng biển tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, hợp với lãnh hải thành một vùng biển có chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở.
- Thềm lục địa là vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền, các đảo và quần đảo của Việt Nam cho đến mép ngoài của rìa lục địa.
+ Trường hợp mép ngoài của rìa lục địa này cách đường cơ sở chưa đủ 200 hải lý thì thềm lục địa đó được kéo dài đến 200 hải lý tính từ đường cơ sở;
+ Trường hợp mép ngoài của thềm lục địa này vượt quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở thì thềm lục địa nơi đó được kéo dài không quá 350 hải lý tính từ đường cơ sở hoặc không quá 100 hải lý tính từ đường đẳng sâu 2.500 mét.
(Còn nữa)
Trần Thiên Định
Ý kiến bạn đọc