Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu về Luật Xử lý vi phạm hành chính

10:52, 02/08/2013

114. Nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên là gì?

Ngoài những nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính chung, việc xử lý đối với người chưa thành niên còn được áp dụng các nguyên tắc sau đây:

- Việc xử lý người chưa thành niên vi phạm hành chính chỉ được thực hiện trong trường hợp cần thiết nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội.

Trong quá trình xem xét xử lý người chưa thành niên vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính phải bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên. Biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng chỉ được áp dụng khi xét thấy không có biện pháp xử lý khác phù hợp hơn;

- Việc xử lý người chưa thành niên vi phạm hành chính còn căn cứ vào khả năng nhận thức của người chưa thành niên về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi vi phạm, nguyên nhân và hoàn cảnh vi phạm để quyết định việc xử phạt hoặc áp dụng biện pháp xử lý hành chính phù hợp;

- Việc áp dụng hình thức xử phạt, quyết định mức xử phạt đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính phải nhẹ hơn so với người thành niên có cùng hành vi vi phạm hành chính.

Trường hợp người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi vi phạm hành chính thì không áp dụng hình thức phạt tiền.

Trường hợp người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi vi phạm hành chính bị phạt tiền thì mức tiền phạt không quá 1/2 mức tiền phạt áp dụng đối với người thành niên; trường hợp không có tiền nộp phạt hoặc không có khả năng thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả thì cha mẹ hoặc người giám hộ phải thực hiện thay;

- Trong quá trình xử lý người chưa thành niên vi phạm hành chính, bí mật riêng tư của người chưa thành niên phải được tôn trọng và bảo vệ;

- Các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính phải được xem xét áp dụng khi có đủ các điều kiện quy định. Việc áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính không được coi là đã bị xử lý vi phạm hành chính.

115. Người chưa thành niên bị xử phạt vi phạm hành chính có thể bị áp dụng các hình thức nào?

Các hình thức xử phạt áp dụng đối với người chưa thành niên bao gồm:

- Cảnh cáo;

- Phạt tiền;

- Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

116. Các biện pháp khắc phục hậu quả nào được áp dụng đối với người chưa thành niên?

Các biện pháp khắc phục hậu quả áp dụng đối với người chưa thành niên bao gồm:

- Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu;

- Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh;

- Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường; văn hóa phẩm có nội dung độc hại;

- Buộc nộp lại khoản thu bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hoặc buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái với quy định của pháp luật.

117. Thời hạn nào được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên?

Trong những thời hạn sau thì được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên:

- Người chưa thành niên được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính nếu trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt mà không tái phạm.

- Người chưa thành niên bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính nếu trong thời hạn 1 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử lý hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử lý mà không tái phạm thì được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

118. Những biện pháp nào có thể thay thế xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên?

Các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên bao gồm:

- Nhắc nhở;

- Quản lý tại gia đình.

119. Nhắc nhở là biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính được thực hiện đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính khi có các điều kiện nào?

Nhắc nhở là biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính để chỉ ra những vi phạm do người chưa thành niên thực hiện, được thực hiện đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính mà theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính khi có đủ các điều kiện sau:

- Vi phạm hành chính theo quy định bị phạt cảnh cáo;

- Người chưa thành niên vi phạm đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi về hành vi vi phạm của mình.

120. Quản lý tại gia đình là biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính áp dụng đối với người chưa thành niên khi có các điều kiện nào?

Quản lý tại gia đình là biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính áp dụng đối với người chưa thành niên thuộc đối tượng người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi 2 lần trở lên trong 6 tháng có hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự khi có đủ các điều kiện sau:

- Người chưa thành niên vi phạm đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi về hành vi vi phạm của mình;

- Có môi trường sống thuận lợi cho việc thực hiện biện pháp này;

- Cha mẹ hoặc người giám hộ có đủ điều kiện thực hiện việc quản lý và tự nguyện nhận trách nhiệm quản lý tại gia đình.

121. Thời hạn áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình là bao lâu?

Thời hạn áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình từ 3 - 6 tháng.

122. Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội Khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20-6-2012 có hiệu lực từ thời điểm nào?

Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2013, trừ các quy định liên quan đến việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do Tòa án nhân dân xem xét, quyết định thì có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2014.

Đăng Hưng


Ý kiến bạn đọc