Trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật
1. Trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật là gì?
Trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người khuyết tật theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý và Luật Người khuyết tật. Nguyên tắc của hoạt động trợ giúp pháp lý là không thu phí, lệ phí, thù lao từ người được trợ giúp pháp lý nói chung và người khuyết tật nói riêng.
Việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí sẽ giúp người được trợ giúp pháp lý bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; góp phần vào việc phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật.
2. Các quy định về người khuyết tật được Nhà nước hỗ trợ về pháp lý có điểm gì mới so với trước đây?
Trước đây, tại Khoản 3 Điều 10 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006, Khoản 4 Điều 2 Nghị định 07/2007/NĐ-CP ngày 12-1-2007 quy định người tàn tật được trợ giúp pháp lý trong trường hợp không có nơi nương tựa.
Sau khi Luật Người khuyết tật được ban hành, Chính phủ đã ra Nghị định 14/2013/NĐ-CP ngày 5-2-2003 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 07/2007/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý; theo đó đã mở rộng đối tượng hưởng trợ giúp pháp lý đối với người khuyết tật. Cụ thể: người khuyết tật được trợ giúp pháp lý theo Luật Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể, hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn; người bị nhiễm chất độc hóa học, bị nhiễm HIV mà không có nơi nương tựa.
3. Người khuyết tật được hỗ trợ về pháp lý trong những lĩnh vực gì?
Người khuyết tật được hỗ trợ về pháp lý trong tất cả các lĩnh vực, trừ lĩnh vực kinh doanh, thương mại; bao gồm: pháp luật hình sự, tố tụng hình sự và thi hành án hình sự; pháp luật dân sự, tố tụng dân sự và thi hành án dân sự; pháp luật hôn nhân gia đình và pháp luật về trẻ em; pháp luật hành chính, khiếu nại, tố cáo và tố tụng hành chính; pháp luật đất đai, nhà ở, môi trường và bảo vệ người tiêu dùng; pháp luật lao động, việc làm, bảo hiểm; pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng và pháp luật về chính sách ưu đãi xã hội khác cũng như các lĩnh vực pháp luật liên quan đến chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói, giảm nghèo hoặc liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Ngoài ra, vụ việc trợ giúp pháp lý phải liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khuyết tật.
4. Người khuyết tật được hỗ trợ với hình thức trợ giúp pháp lý nào?
Người khuyết tật được hỗ trợ thông qua việc tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, hòa giải, kiến nghị, giúp đỡ thực hiện các công việc có liên quan đến thủ tục hành chính trong quá trình thực hiện các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong trường hợp người khuyết tật không thể tự mình thực hiện được, giúp đỡ về pháp luật trong quá trình khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại, cung cấp thông tin pháp luật, cung cấp bản sao các điều khoản của văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý, cung cấp địa chỉ làm việc của cơ quan, tổ chức, cá nhân mà pháp luật quy định có thẩm quyền giải quyết vụ việc...
5. Những cơ quan nào thực hiện trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật?
Có 2 hệ thống cơ quan thực hiện trợ giúp pháp lý:
- Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước thuộc Sở Tư pháp và các Chi nhánh của Trung tâm.
- Tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý bao gồm: Văn phòng luật sư, Công ty luật; Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp theo quy định của Chính phủ về tổ chức, hoạt động tư vấn pháp luật.
6. Tại Dak Lak, người khuyết tật muốn được trợ giúp pháp lý thì tìm đến địa chỉ nào?
Người khuyết tật muốn được trợ giúp pháp lý có thể tìm đến các địa chỉ sau:
- Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh, số 39 đường Lý Thường Kiệt, TP. Buôn Ma Thuột
- Chi nhánh Trợ giúp pháp lý số 1, tại thị trấn Phước An, huyện Krông Pak
- Chi nhánh số 2, tại xã Ea Bhôk, huyện Cư Kuin
- Trung tâm Tư vấn pháp luật - Hội Luật gia tỉnh, tại số 30 đường Ama Trang Lơng, TP. Buôn Ma Thuột
Ngoài ra, người khuyết tật cũng có thể đến các văn phòng luật sư tham gia trợ giúp pháp lý để đề nghị hỗ trợ như: Văn phòng luật sư Đức Lưu, Văn phòng luật sư Hiền và Liên danh, Văn phòng luật sư Bình Lý...
(Còn nữa)
Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh
Ý kiến bạn đọc