Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2005
Chương X. Lai dắt tàu biển (từ Điều 178 đến Điều 184): quy định về khái niệm lai dắt tàu biển; hợp đồng lai dắt tàu biển; quyền chỉ huy lai dắt tàu biển; nghĩa vụ của chủ tàu lai; trách nhiệm bồi thường tổn thất trong lai dắt tàu biển; thời hiệu khởi kiện; lai dắt tàu quân sự, tàu công vụ, tàu cá, phương tiện thủy nội địa và thủy phi cơ.
Việc sửa đổi, bổ sung Chương này để làm rõ hơn các nội dung đã có trong Bộ luật 1990 như quy định về lai dắt tàu biển bao gồm lai dắt trên biển và lai dắt hỗ trợ trong vùng nước cảng biển, trách nhiệm bồi thường cho bên thứ ba đối với tổn thất xẩy ra trong quá trình lai dắt; sửa đổi, bổ sung có tham khảo luật hàng hải của một số nước.
Chương XI. Cứu hộ hàng hải (từ Điều 185 đến Điều 196): quy định về khái niệm cứu hộ hàng hải; hợp đồng cứu hộ hàng hải; nghĩa vụ và quyền được hưởng tiền công của người cứu hộ; nguyên tắc xác định tiền công cứu hộ; phân chia tiền công cứu hộ; thời hiệu khởi kiện; cứu hộ hàng hải đối với tàu quân sự, tàu công vụ, tàu cá, phương tiện thủy nội địa, thủy phi cơ.
Sửa đổi, bổ sung một số quy định về hình thức hợp đồng cứu hộ, nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng cứu hộ, tiền công đặc biệt trong cứu hộ hàng hải có liên quan đến tổn thất môi trường, quyền giữ tàu và tài sản cứu được. Việc sửa đổi, bổ sung này có tham khảo Công ước quốc tế về cứu hộ năm 1989 và quy định của luật hàng hải một số nước.
Chương XII. Trục vớt tài sản chìm đắm (từ Điều 197 đến Điều 205): quy định về tài sản chìm đắm, phân loại tài sản chìm đắm gây nguy hiểm; nghĩa vụ trục vớt tài sản chìm đắm; quy định thời hạn thông báo, thời hạn trục vớt tài sản chìm đắm; trách nhiệm liên đới của người quản lý, người khai thác tài sản chìm đắm là tàu biển; quyền ưu tiên trục vớt tài sản chìm đắm; thẩm quyền xử lý tài sản chìm đắm.
Chương này đã sửa đổi, bổ sung các quy định về nghĩa vụ trục vớt tài sản chìm đắm, đặc biệt là các tài sản chìm đắm gây nguy hiểm; mở rộng việc phân cấp thẩm quyền xử lý tài sản chìm đắm, không chỉ có Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Quốc phòng mà còn có Bộ Văn hóa - Thông tin và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; rút ngắn thời hạn thông báo, thời hạn dự kiến và thời hạn trục vớt tài sản chìm đắm; quy định rõ về xử lý tài sản chìm đắm; trách nhiệm liên đới của người quản lý, người khai thác tài sản chìm đắm.
Sửa đổi, bổ sung Chương này có tham khảo Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982; Dự thảo Công ước về di chuyển xác tàu; Công ước quốc tế về cứu hộ năm 1989 và luật hàng hải của một số nước; Luật Di sản văn hóa và Nghị định số 39/1998/NĐ-CP của Chính phủ về xử lý tài sản chìm đắm ở biển.
Chương XIII. Tai nạn đâm va (từ Điều 206 đến Điều 212): quy định về khái niệm tai nạn đâm va; nghĩa vụ của thuyền trưởng khi xảy ra tai nạn đâm va; nguyên tắc xác định lỗi và bồi thường tổn thất; thời hiệu khởi kiện; tai nạn đâm va đối với tàu quân sự, tàu công vụ, tàu cá, phương tiện thủy nội địa, thủy phi cơ.
Việc sửa đổi, bổ sung Chương này để làm rõ thêm quy định về đối tượng áp dụng, thời hiệu khởi kiện tai nạn đâm va tàu biển; trách nhiệm liên đới trong bồi thường tính mạng, thương tích hoặc tổn hại sức khỏe con người.
Sửa đổi, bổ sung có tham khảo Công ước quốc tế về thống nhất các quy tắc chung liên quan đến đâm va tàu thuyền năm 1910, Công ước quốc tế về thống nhất các quy tắc chung liên quan đến tài phán dân sự trong đâm va tàu thuyền năm 1952, Công ước về các quy tắc quốc tế phòng ngừa đâm va tàu thuyền trên biển năm 1972, dự thảo Công ước quốc tế về thống nhất các quy tắc chung liên quan đến tài phán dân sự, chọn luật, công nhận và thi hành các bản án đâm va tàu thuyền và luật hàng hải một số nước.
Chương XIV. Tổn thất chung (từ Điều 213 đến Điều 218): quy định về tổn thất chung; tổn thất riêng; phân bổ tổn thất chung; tuyên bố tổn thất chung; chỉ định người phân bổ tổn thất chung; thời hiệu khởi kiện.
Sửa đổi, bổ sung một số quy định về quyền tuyên bố tổn thất chung và chỉ định người phân bổ tổn thất chung. Việc sửa đổi, bổ sung Chương này có tham khảo Quy tắc York Antwerp năm 1994 và luật hàng hải của một số nước.
Chương XV. Giới hạn trách nhiệm dân sự đối với các khiếu nại hàng hải (từ Điều 219 đến Điều 223): quy định về người được quyền giới hạn trách nhiệm dân sự; các khiếu nại hàng hải được áp dụng giới hạn trách nhiệm dân sự; các khiếu nại không được áp dụng giới hạn trách nhiệm dân sự; mức giới hạn trách nhiệm dân sự; Quỹ đảm bảo bồi thường.
Sửa đổi, bổ sung Chương này nhằm làm rõ giới hạn trách nhiệm dân sự của chủ tàu, người cứu hộ và những người liên quan khác đối với các khiếu nại hàng hải; về người được quyền giới hạn trách nhiệm dân sự, các khiếu nại được áp dụng giới hạn trách nhiệm dân sự, mức giới hạn trách nhiệm dân sự; nguyên tắc bù trừ các khiếu nại và việc xác lập “Quỹ đảm bảo bồi thường”.
Bộ luật đã thay thế việc sử dụng đồng "Frăng vàng" làm đơn vị tính toán bằng đơn vị tiền tệ là "Quyền rút vốn đặc biệt" (SDR) theo xác định của Quỹ tiền tệ quốc tế (theo quy định tại khoản 1 Điều 79 của Bộ luật) để phù hợp với xu thế chung của pháp luật hàng hải các nước trên thế giới.
Việc sửa đổi, bổ sung Chương này có tham khảo quy định của Công ước quốc tế về giới hạn trách nhiệm đối với các khiếu nại hàng hải năm 1976 (Bộ luật 1990 vận dụng Công ước năm 1957) - Đây là Công ước có nhiều nước tham gia hoặc đã vận dụng vào luật hàng hải của nước mình và tham khảo luật hàng hải của một số nước.
Chương XVI. Hợp đồng bảo hiểm hàng hải (từ Điều 224 đến Điều 257): chia làm 8 Mục:
+ Mục 1. Quy định chung, quy định về hợp đồng bảo hiểm hàng hải; đối tượng bảo hiểm; xác định quyền lợi có thể được bảo hiểm; tái bảo hiểm; đơn bảo hiểm; giấy chứng nhận bảo hiểm; nghĩa vụ của người được bảo hiểm; quyền chấm dứt hợp đồng bảo hiểm.
+ Mục 2. Giá trị bảo hiểm và số tiền bảo hiểm, quy định về giá trị bảo hiểm; số tiền bảo hiểm; bảo hiểm trùng.
+ Mục 3. Chuyển nhượng quyền theo hợp đồng bảo hiểm hàng hải, quy định về chuyển nhượng đơn bảo hiểm hàng hải; cách thức chuyển nhượng đơn.
+ Mục 4. Bảo hiểm bao, quy định về bảo hiểm bao; thực hiện hợp đồng bảo hiểm bao; chấm dứt hợp đồng bảo hiểm bao.
+ Mục 5. Thực hiện hợp đồng bảo hiểm hàng hải, quy định về nộp phí bảo hiểm; thông báo rủi ro; nghĩa vụ của người được bảo hiểm; trách nhiệm bồi hoàn của người bảo hiểm; trách nhiệm bồi thường tổn thất của người bảo hiểm; miễn trách đối với người bảo hiểm.
+ Mục 6. Chuyển quyền đòi bồi thường, quy định về chuyển quyền đòi bồi thường; nghĩa vụ của người được bảo hiểm trong việc đòi người thứ ba; bảo lãnh đóng góp tổn thất chung.
+ Mục 7. Từ bỏ đối tượng bảo hiểm, quy định về quyền từ bỏ đối tượng bảo hiểm; cách thức và thời hạn thực hiện quyền từ bỏ đối tượng bảo hiểm, thời hạn chấp thuận hoặc từ chối việc từ bỏ đối tượng bảo hiểm của người bảo hiểm; nghĩa vụ của người được bảo hiểm khi tuyên bố từ bỏ đối tượng bảo hiểm; bồi thường tổn thất toàn bộ; hoàn trả tiền bảo hiểm.
+ Mục 8. Giải quyết bồi thường, quy định về trách nhiệm giải quyết bồi thường; thời hiệu khởi kiện liên quan đến hợp đồng bảo hiểm hàng hải.
Sửa đổi, bổ sung một số quy định về hợp đồng bảo hiểm hàng hải, đối tượng bảo hiểm hàng hải, rủi ro hàng hải, các quyền lợi có thể được bảo hiểm, giải thích rõ các thuật ngữ.
Việc sửa đổi, bổ sung nói trên có tham khảo Luật Kinh doanh bảo hiểm của Việt Nam, Luật Bảo hiểm của Anh năm 1906 và luật hàng hải của một số nước.
Chương XVII. Giải quyết tranh chấp hàng hải (từ Điều 258 đến Điều 261): quy định về tranh chấp hàng hải; nguyên tắc giải quyết tranh chấp hàng hải; giải quyết tranh chấp hàng hải có ít nhất một bên là tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Sửa đổi làm rõ khái niệm "tranh chấp hàng hải".
Chương XVIII. Điều khoản thi hành (Điều 261): quy định về hiệu lực Bộ luật, thay thế Bộ luật 1990.
Ý kiến bạn đọc