Hỏi – đáp về Luật Sở hữu trí tuệ
09:26, 02/02/2020
Hỏi: Hiện nay ở địa phương tôi, bà con đang trồng loại cây ăn trái đặc trưng, chất lượng ngon mà ở những nơi khác không trồng được. Chúng tôi muốn đăng ký bảo hộ đối với sản phẩm có nguồn gốc của địa phương mình có được không?
(
Nguyễn Thị Lan A., huyện Ea H’leo)
Trả lời: Theo quy định tại Khoản 22 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ định nghĩa về giải thích từ ngữ thì: “Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể”.
Theo quy định tại Điều 79 Luật Sở hữu trí tuệ thì chỉ dẫn địa lý được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có nguồn gốc địa lý từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý;
- Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó quyết định.
Để đăng ký quyền bảo hộ đối với sản phẩm có nguồn gốc của địa phương mình, thì loại cây ăn trái tại địa phương nơi bà sinh sống phải đáp ứng đủ hai điều kiện nêu trên.
Hỏi: Công ty của tôi đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký (có giá trị đến ngày 16-6-2025) đối với nhãn hiệu nước khoáng “HOANGLONGAQUA” (viết in đậm, màu trắng). Vừa qua, tôi phát hiện trên thị trường có sản phẩm nước khoáng đóng chai nhãn hiệu “HOANGLONG AQUA” (viết in đậm, màu trắng) của Công ty cổ phần L.A. Trường hợp này có phải nhãn hiệu của tôi bị xâm phạm không?
(
Nguyễn Hoàng L., huyện Ea Kar)
Trả lời:
- Theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22-9-2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ thì hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ khi có đầy đủ các căn cứ sau đây:
+ Đối tượng bị xem xét thuộc phạm vi các đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
+ Các yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét.
+ Người thực hiện hành vi bị xem xét không phải là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và không phải là người được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép.
+ Hành vi xem xét xảy ra ở Việt Nam.
- Theo thông tin ông cung cấp thì trường hợp nêu trên có đủ căn cứ để xác định Công ty cổ phần L.A đã có hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu nước khoáng “HOANGLONGAQUA” của công ty ông đã được bảo hộ. Cụ thể Công ty L.A đã có hành vi “Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ” (hành vi vi phạm được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ).
(Còn nữa)
Duy Bình
(Sở Tư pháp)
Ý kiến bạn đọc