Sáng kiến kinh nghiệm: Còn nhiều rào cản!
Dạy học là một quá trình sáng tạo liên tục. Vì vậy việc khuyến khích giáo viên đúc kết những sáng tạo độc đáo là hết sức cần thiết để không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục. Nhưng thực tế hiện nay cho thấy việc viết, nghiệm thu và công nhận các sáng kiến kinh nghiệm còn nhiều vấn đề vướng mắc.
Dễ thấy nhất là việc tổ chức, đánh giá nghiệm thu sáng kiến kinh nghiệm ở các trường phổ thông hiện nay nhiều khi còn mang tính cả nể, nên chưa tạo ra cho giáo viên thói quen xem các buổi báo cáo, nghiệm thu sáng kiến kinh nghiệm là buổi trao đổi khoa học để có những tranh luận thẳng thắn, hữu ích mang tính xây dựng. Bên cạnh đó, ngoài những đề tài chung, có những sáng kiến kinh nghiệm thuộc lĩnh vực chuyên môn khác nhau nhưng lại được hội đồng khoa học của đơn vị (thường những giáo viên có chuyên môn khác nhau) thống nhất thông qua, dễ làm nảy sinh hiện tượng đánh giá còn lệch lạc, thường lấy chuyên môn này áp đặt chuyên môn khác. Mặt khác, để được công nhận một chiến sĩ thi đua hoặc giáo viên giỏi cấp cơ sở, chỉ dạy tốt, dạy giỏi là chưa đủ mà còn phải có sáng kiến kinh nghiệm, dù hay dù dở. Việc chạy theo danh hiệu thi đua đã dẫn đến tình trạng sao chép, nhân bản sáng kiến trở nên phổ biến. Hằng năm mỗi giáo viên có thể viết một sáng kiến kinh nghiệm không còn là chuyện lớn, chuyện khó.
Việc viết sáng kiến kinh nghiệm một cách hình thức, đối phó mà không áp dụng vào công việc hằng ngày để nâng cao hiệu quả lao động, chất lượng giảng dạy… vẫn cứ tồn tại năm này qua năm khác. Đó cũng chính là căn bệnh thành tích khó chữa từ nhiều năm trong ngành giáo dục. Đáng lưu ý, mặc dù biết nhiều sáng kiến kinh nghiệm không được áp dụng trong thực tế, viết cho có, cho xong, nhưng các hội đồng khoa học ở không ít đơn vị giáo dục vẫn duyệt loại giỏi, khá để gửi cấp trên công nhận danh hiệu thi đua.
Có thể nói, những vướng mắc nói trên trong việc phát động giáo viên viết sáng kiến kinh nghiệm đã ảnh hưởng đến việc khuyến khích giáo viên nghiên cứu khoa học, tạo ra những sản phẩm độc đáo, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Nếu những vướng mắt nói trên không được tháo gỡ, sáng kiến kinh nghiệm sẽ đi ngược lại với phong trào “ Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”.
Ý kiến bạn đọc