09:48, 18/07/2011
Dịp hè này, dưới mái chùa Bửu Thắng (Thị xã Buôn Hồ) có lớp học đặc biệt mang tên “tình thương” mà các thầy, cô giáo là những giáo viên, sinh viên tình nguyện giàu lòng nhân ái, còn học trò là những em nhỏ bất hạnh, có hoàn cảnh khó khăn đang nương náu tại đây.
Tạm gác lại những dự định của bản thân, thầy Phạm Minh Tánh, giáo viên môn Vật lý, Trường THPT Hồng Đức (TP. Buôn Ma Thuột) đã dành hết thời gian trong một tháng nghỉ hè quý giá để đến với những “học trò” thiệt thòi của mình. Những ngày ở đây, thầy Tánh phụ trách lớp “học ghép” gồm 25 em từ lớp 1 đến 11, dạy các môn Toán, Vật Lý và Hóa học. Thời gian đầu tiếp xúc với những học trò đặc biệt, thầy gặp nhiều khó khăn vì các em ở nhiều độ tuổi khác nhau học chung một lớp, tâm lý thiếu tự tin và khả năng tiếp thu bài vở không nhanh nhạy như học sinh thầy dạy ở trường. Thầy gần gũi chia sẻ để hiểu tâm lý, năng lực của từng em, qua đó đưa ra phương pháp giảng dạy phù hợp, thầy chỉ bảo tận tình cho từng em, từ những phép tính đơn giản của bậc tiểu học đến các kiến thức về chuyển động, định luật Newton… trong chương trình Vật lý lớp 10. Những em học yếu, chưa hiểu bài trên lớp, thầy tranh thủ giảng lại vào buổi tối. Thầy Tánh tâm sự: “Trong khi nhiều em nhỏ có được những ngày hè vui vẻ cùng gia đình thì các em ở đây còn nhiều thiệt thòi. Tôi chỉ mong đem đến cho các em chút kiến thức và niềm vui nho nhỏ bằng tất cả khả năng của mình”.
|
Cô Trà đang hướng dẫn các em học bài. |
Từng nghe nói về mái ấm của những em nhỏ mồ côi, bất hạnh ở chùa Bửu Thắng, Phạm Thị Thanh Trà (lớp Sư phạm Mỹ Thuật K35, Trường CĐSP Dak Lak) cảm thấy day dứt. Hè này, thay vì tham gia Chiến dịch Mùa hè xanh của Đoàn trường, cô sinh viên nhỏ nhắn này tình nguyện đến với “lớp học tình thương” bởi một suy nghĩ rất đơn giản: “Ở đây các em nhỏ cần cô hơn”. Chúng tôi vào thăm lớp học của “cô Trà” và thật sự cảm động khi chứng kiến hình ảnh các cô trò đang say sưa với từng con chữ, nét vẽ. Căn phòng rộng chừng 15 m2, cũng có bàn ghế, bảng, phấn…, nhưng chỉ có “cô” và trò là khác với các lớp học bình thường. “Cô giáo sinh viên” nhắc nhở các em ổn định trật tự và nêu nội dung bài học: các em tuổi mẫu giáo tập tô màu cho tranh, lớp 1 tập viết, lớp 3 học bảng cửu chương, còn các anh chị lớn hơn học môn lịch sử Việt Nam. Phía dưới, những gương mặt hồn nhiên đang cặm cụi tập viết, tô màu, lắng nghe “cô giáo” kể chuyện lịch sử thời nhà Hồ, và có em thì ngơ ngác nhìn…khách lạ. Ấn tượng nhất là cô bé Nguyễn Thị Thủy, bởi suốt buổi học, em luôn chăm chú nghe từng lời của “cô giáo”, xung phong trả lời và hỏi “cô” những điều chưa hiểu. Thủy mồ côi cha, nhà nghèo, 2 anh đi học ở TP. Hồ Chí Minh nên cách đây 2 năm, mẹ phải gửi em và em gái vào chùa Bửu Thắng để tiếp tục được đi học. Giờ giải lao, “cô Trà” không nghỉ mà tranh thủ dạy các em vẽ tranh, những bức vẽ còn đơn giản nhưng chứa đựng những ước mơ hồn nhiên của những tuổi thơ không may mắn. Em Đặng Thị Ngọc Lê (17 tuổi) mồ côi cha mẹ từ nhỏ, vào chùa đã được 7 năm, nhìn bức tranh vừa vẽ xong với đôi mắt đen đượm buồn. Bức tranh em vẽ bằng phấn màu mô tả ngôi nhà nhỏ, những cây xanh trong vườn với ước mơ: “Có một gia đình nhỏ ấm áp với tình yêu thương của cha mẹ”. Ước mơ nhỏ bé ấy của Lê cũng là ước mơ của nhiều em nhỏ thiệt thòi nơi đây…
Những ngày hè ngắn ngủi sắp trôi qua, hình ảnh “thầy Tánh”, “cô Trà” với tấm lòng nhân ái đã trở nên quen thuộc với những em nhỏ thiếu may mắn ở chùa Bửu Thắng. Những mảnh đời bé thơ nơi đây cần nhiều hơn những lớp học “tình thương” như vậy.
Minh Đức
Ý kiến bạn đọc