Multimedia Đọc Báo in

Thầy giáo của buôn làng

10:15, 08/08/2011

Năm nay, thầy Y Lim Niê (thường gọi là Ama Che), hiệu trưởng Trường Tiểu học Cư Pui 1, xã Cư Pui (Krông Bông) bước sang tuổi 52 nhưng đã có 25 năm tuổi nghề “trồng người”. Để gắn bó với nghề chừng ấy năm, thầy Y Lim đã vượt qua không ít gian nan, vất vả.

Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, học hết bậc THCS, thương học sinh nghèo vùng sâu “đói chữ”, thầy Y Lim đi học Trung học Sư phạm (khóa 1983-1986) và về dạy học ở các xã vùng sâu. Những năm ấy, cuộc sống ở các xã vùng 3 của huyện Krông Bông còn rất nghèo đói, lạc hậu, đường sá đi lại hết sức khó khăn nhưng thầy vẫn tình nguyện đến dạy học ở xã Yang Mao, cách nhà hàng chục cây số đi bộ. Vì thế, thầy ở lại trường hằng tuần, có khi cả tháng mới về thăm nhà một lần. Học trò của thầy đa số là trẻ em người dân tộc thiểu số tại chỗ, nhà rất nghèo, bố mẹ lo cái ăn còn chưa đủ nói gì đến chuyện học hành của con nên sĩ số học sinh trong lớp cứ tăng giảm theo từng mùa rẫy. Để vận động học sinh đến lớp, thầy không quản ngại băng rừng, lội suối tới từng nhà, thuyết phục cha mẹ học sinh cho con đến trường. Hiểu rào cản ngôn ngữ là khó khăn lớn nhất của học sinh dân tộc thiểu số trong tiếp thu bài học trong sách giáo khoa nên  thầy thường giảng dạy song ngữ tiếng phổ thông và tiếng mẹ đẻ để giúp các em nắm bắt bài dễ hơn. Thầy còn tự làm các dụng cụ học tập để minh họa cho các từ ngữ, sưu tầm tranh ảnh về các địa danh, nhân vật lịch sử… để các em dễ hiểu, nhớ lâu.

 
Năm 1996, thầy Y Lim Niê được chuyển về dạy tại xã Cư Pui, đảm nhiệm chức danh Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn của Trường Tiểu học Cư Pui. Thời kỳ này, trường Tiểu học Cư Pui có 3 điểm trường, hầu hết phòng học đều đã xuống cấp, dụng cụ học tập rất thiếu thốn, toàn trường có 28 giáo viên trực tiếp đứng lớp nhưng chỉ có 4 giáo viên người dân tộc thiểu số tại chỗ. Do cuộc sống quá khó khăn, nhận thức của phụ huynh còn hạn chế nên học xong tiểu học nhiều học sinh phải nghỉ để phụ giúp bố mẹ làm nương rẫy, không ít em nghỉ học sớm để lập gia đình. Thầy Y Lim đã cùng các giáo viên trong trường tranh thủ những lúc rảnh rỗi đi đến thăm hỏi những gia đình có con đi học, thường xuyên giải thích, động viên học sinh đến lớp chuyên cần. Thầy cũng góp tiếng nói, tham mưu với chính quyền địa phương về xây dựng cơ sở vật chất trường học.  Cuối năm 2004, khi Trường Tiểu học Cư Pui được tách thành Trường Tiểu học Cư Pui 1 và Trường Tiểu học Cư Pui 2 thì thầy Y Lim được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cư Pui 2 (gồm địa bàn các buôn Khanh, buôn Khóa, Ea Lang, Ea Ba và Ea Rớt). Có thể nói, đây là giai đoạn khó khăn nhất trong những năm thầy làm quản lý. Trường có 43 lớp mà chỉ có 37 giáo viên, trường lớp thì dột nát và thiếu trầm trọng. Luôn trăn trở làm sao có đủ giáo viên, xây dựng cơ sở vật chất của trường khang trang hơn, đường sá đi lại thuận tiện hơn cho học sinh, thầy đã tham mưu với Phòng Giáo dục huyện bổ sung giáo viên,  tham mưu với Đảng ủy, UBND xã và Lâm trường Krông Bông xây dựng thêm 18 phòng học (trong đó có 4 phòng cấp 4) cho trường. Nhà công vụ cho giáo viên chưa đủ, thầy vận động một số hộ dân trong xã cho giáo viên mượn nhà để ở. Hiện nay, Trường Tiểu học Cư Pui 2 đã bắt đầu đi vào ổn định. Giáo viên đã tương đối đủ và có trình độ chuẩn theo qui định. Cơ sở vật chất ngày càng khang trang hơn và tỷ lệ học sinh đến trường ngày càng cao hơn.

Những cống hiến suốt 25 năm cho sự nghiệp giáo dục của thầy giáo Y Lim đã được các cấp, ngành ghi nhận, nhưng niềm vui lớn nhất đối với thầy là đã góp phần dìu dắt nhiều thế hệ học sinh ở vùng sâu vùng xa trưởng thành, trở thành những người có ích, góp phần xây dựng quê hương.

Nguyễn Trung Thu

 


Ý kiến bạn đọc