Multimedia Đọc Báo in

Ngành công nghệ thông tin mất sức hút

14:46, 09/10/2011

Từ một ngành hết sức hấp dẫn và là thế mạnh của nhiều trường trong khoảng 5-10 năm trước, nay phần lớn các trường ĐH đào tạo ngành công nghệ thông tin (CNTT) khó khăn lắm mới tuyển đủ chỉ tiêu.

Thị trường cần nhưng ít người học
Năm 1995, cả nước chỉ có 7 khoa CNTT, đến năm 2010 có tới 133 trường ĐH, 153 trường CĐ và 351 trường TCCN đào tạo CNTT. Có một thời gian, trường ĐH-CĐ nào khi mới thành lập đều phải xin mở cho được ngành CNTT để dễ tuyển sinh. Có trường khi đặt tên thế nào cũng phải xin cho được có chữ CNTT. Ngay cả ĐHQG TP.Hồ Chí Minh dù có khoa CNTT ở trường thành viên ĐH Bách khoa và ĐH Khoa học tự nhiên nhưng vẫn thành lập riêng một trường chuyên đào tạo CNTT.

Nhưng hiện đang xảy ra một bất hợp lý là, theo các nhà tuyển dụng, thị trường cần hàng trăm ngàn nhân lực trong thời gian tới nhưng số lượng đào tạo thấp hơn nhiều so với nhu cầu và thí sinh cũng dần quay lưng với ngành này. Những năm gần đây số lượng thí sinh đăng ký dự thi vào các trường ĐH chuyên ngành CNTT cũng như trường có ngành CNTT đều giảm, điểm chuẩn cũng thấp dần. Đơn cử như: trường ĐH Quốc tế TP.Hồ Chí Minh: trong năm 2009, 2010 điểm chuẩn NV1 là 14,5 thì đến năm 2011 chỉ còn 14; trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng): điểm chuẩn ngành này lần lượt các năm như sau: năm 2008: 19,5; năm 2009: 18,5; năm 2010: 17,5 và năm 2011: 16,5; ĐH Đà Lạt năm 2007 lấy 15 điểm, từ năm 2008 đến nay bằng sàn 13 điểm…

Hàng loạt trường như: ĐH Khoa học (ĐH Thái Nguyên), ĐH Bình Dương, ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.Hồ Chí Minh, ĐH Văn Hiến, ĐH Đà Lạt, ĐH Nha Trang, ĐH Hùng Vương (TP.Hồ Chí Minh), ĐH Kinh tế - Tài chính TP.Hồ Chí Minh, ĐH Hà Tĩnh, ĐH Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên, ĐH CNTT Gia Định… đang chờ thí sinh nộp hồ sơ NV3 vào ngành này.

 

 

Đào tạo không đáp ứng yêu cầu thực tế
GS-TSKH Hoàng Văn Kiếm, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.Hồ Chí Minh, đánh giá: “Ngày trước ngành CNTT luôn là sự lựa chọn số một của thí sinh. Nhưng trong vài năm gần đây, khối ngành kinh tế trỗi dậy mạnh mẽ. Mặt khác, học khối ngành kinh tế dễ xin việc, thu nhập tốt nên thí sinh ồ ạt vào ngành này”. Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm đào tạo quản trị và an ninh mạng Athena, cho biết: “CNTT là một ngành khoa học. Mà người làm khoa học thì tốn nhiều công sức, học vất vả nhưng không giàu nhanh như những người làm trong lĩnh vực kinh doanh, ngân hàng, tài chính, bất động sản... Trong khi đó, các bạn trẻ hiện nay lại mong muốn làm giàu nhanh, ít tốn công sức”.

Nhiều chuyên gia khác lại nhận định, nguyên nhân còn do chương trình đào tạo. Ông Hoàng Xuân Quảng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH An Giang cho rằng: “Chương trình đào tạo ngành CNTT hiện theo xu hướng đào tạo đủ. Có nghĩa là cái gì SV cũng được học, cũng biết, nhưng không chuyên sâu. Trong khi doanh nghiệp tuyển dụng nhân sự thường chọn người có kiến thức chuyên sâu ở một lĩnh vực nào đó của CNTT. Vì vậy, nhiều người tốt nghiệp không tìm được việc làm do thiếu chuyên môn”. “Ở nước ngoài, các trường đào tạo ngành CNTT thường phân ra 20 - 30 chuyên ngành. Họ chủ yếu dạy chuyên sâu, trong khi chúng ta thường ít quan tâm vấn đề này. Có chăng chỉ vài trường có phân một vài chuyên ngành thuộc lĩnh vực CNTT. Vì thế có nhiều lĩnh vực doanh nghiệp hiện nay rất cần nhưng người học không đáp ứng được chuyên môn”, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.Hồ Chí Minh cho biết.

CNTT là ngành thay đổi rất nhanh, trung bình 6 tháng là phải cập nhật kiến thức công nghệ mới. Vì vậy, ông Võ Đỗ Thắng cho rằng: “Để chương trình đào tạo không lạc hậu, người học không thất nghiệp sau tốt nghiệp, ngoài đào tạo kiến thức nền tảng, các trường phải thường xuyên cập nhật những kiến thức công nghệ, hướng dẫn sinh viên tìm hiểu các sản phẩm mới, tìm hiểu các nhu cầu thị trường lao động…”.

(Theo Thanh niên)

Ý kiến bạn đọc