Multimedia Đọc Báo in

Họp lớp

10:30, 25/11/2010

†Kính tặng cô giáo chủ nhiệm của tôi

Hơn hai mươi năm xa Thái Nguyên hôm nay tôi mới được trở lại. Tôi đã trở thành người của miền Nam ấm áp quanh năm 4 mùa rực rỡ nắng vàng. Về Thái Nguyên có thể đi ô tô, Thái Nguyên cách Hà Nội chỉ 76 km đi ô tô chỉ 2 giờ là đến, nhưng tôi chọn đi tàu hỏa, bởi tàu hỏa đã gắn với biết bao kỷ niệm thời sinh viên chúng tôi.

Mỗi chuyến tàu xưa đầy ắp kỷ niệm của thời hoa niên tuyệt đẹp đã xa. Mỗi chuyến tàu về thăm nhà không đơn thuần chỉ là thăm cha thăm mẹ hay xin tý viện trợ “còm”, mà  còn là lúc gặp bạn bè tụ tập trên mỗi chuyến tàu. Những trái tim non trẻ hoa thời cái gì cũng tươi mới roi rói, mỗi chuyến tàu chiều thứ bảy từ Hà Nội về Thái Nguyên không đặc biệt với riêng chúng tôi, mà với cả các khách đi tàu khác. Cả toa tàu nhộn nhịp trong niềm vui ngọt ngào, những chàng sinh viên hào hoa không để lỡ dịp khoe mình. Họ mang theo cả đàn ghi ta, thế rồi họ tụm lại đàn, hát say sưa bằng nhiệt tình thắm  thiết của những trái tim tràn nhựa sống, tiếng hát của họ vọng  dài theo con tàu, mắt họ ngời sáng. Và đôi khi những ánh mắt liếc ngang kín đáo rất nhanh của chàng ca sĩ đa tài  đã gặp một đôi mắt  bạn gái sinh viên đang  đắm chìm  trong tiếng nhạc. Những chuyến tàu như thế đã là những kỷ niệm vô giá của tuổi sinh viên tuyệt vời. Trên những chuyến tàu như thế cũng đã chứng kiến bao cuộc hẹn hò, chờ đợi, yêu thương, hờn giận của những đôi bạn trẻ sinh viên. Vẻ đẹp long lanh dường như không vướng chút bụi trần trên những chuyến tàu ấy vẫn còn mãi trong tâm thức, còn trong miền sâu kín như khoảng trời xanh trong sáng ngọt ngào của những người đã may mắn có những chuyến tàu ấy.

Nay đã hơn hai mươi năm rồi, tóc đã long lanh sợi bạc tôi mới lại được về Thái Nguyên. Về thăm “cô giáo tôi”, về họp lớp, lớp 7A thân yêu của chúng tôi. Một đời học trò có biết bao thầy cô giáo đã dạy tôi. Nhưng cho đến một ngày cha tôi bỗng nhận ra mà bảo: “cái con này chỉ gọi mỗi cô Khiêm là cô giáo con”. Tôi ngớ ra vì chính mình cũng chưa từng nhận thấy điều khác lạ này. Nhưng có lẽ đó là tiếng gọi từ trái tim tôi chỉ có thể lý giải như vậy.

 

Cô Khiêm là cô giáo chủ nhiệm của tôi trong suốt 2 năm học lớp 6, lớp 7. Lớp tôi là lớp chọn, các học sinh giỏi nhất có thứ hạng từ một đến 4 của lớp 5 được chọn lại thành lớp của tôi: lớp 6A. Cô là giáo viên mới ra trường (có lẽ cô đã học rất giỏi, chúng tôi đều thầm tin là thế, vì cô vừa ra trường về dạy năm đầu tiên đã được  chọn dạy môn văn và chủ nhiệm lớp tôi).

Nhưng giỏi thì giỏi “nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò”, chúng tôi có cả đống chuyện cười và cười ra nước mắt với cô và với bạn. Ngày ấy chúng tôi thường hay tổ chức học nhóm, các bạn gần nhau cứ ba đến năm người tổ chức một nhóm học, bạn học giỏi nhất sẽ là nhóm trưởng, duy trì tổ chức nhóm và giúp các bạn học yếu khác cùng tiến bộ. Chúng tôi sợ cô ghê lắm, gần như bái phục người vì cô như có tài “xuất quỷ nhập thần”, vì các nhóm học chúng tôi ở cách nhau vài 3 cây số thường học buổi tối hoặc học chiều nhưng không hiểu sao chuyện gì cô cũng biết. Giờ sinh hoạt lớp ngày thứ bảy, khối chuyện hay, chuyện sợ: Nào là cô nhắc nhở Xuân An khi học, em bé có nghịch ngợm không được dùng sách đánh vào đầu em. Tiến trong lúc học không được ngồi lên bàn. Tuân chưa hiểu chỗ nào phải nhờ Minh giảng cho chứ không được chép bài của bạn… Cô cứ như có “kính chiếu yêu” còn đứa nào bị nhắc nhở thì mặt cứ đỏ rần lên rồi “tâm phục khẩu phục” không biết để đâu cho hết. Sau này chúng tôi mới biết cô chẳng có tài “xuất quỷ”, cũng không có “kính chiếu yêu”, chỉ có tấm lòng cô soi rọi để cô biết hết học trò của cô đang làm gì, cô lặng lẽ từng đêm đi “vi hành”, đường bờ ruộng bước thấp, bước cao, hay vào vùng mỏ than hun hút xa xôi cô xếp lịch và cứ lần lượt mà đi. Khi chúng tôi hỏi: “Thế cô có sợ không, có ngại không?” Cô bảo: “Cũng sợ nhưng ngại thì không, trò cô đi được sao cô không đi được”…

Ngày tết âm lịch, ngày Nhà giáo 20-11… nhà cô đúng là ngày tết, ngày hội với chúng tôi. Chúng tôi chẳng e dè kiêng cữ gì hết. Đến nhà cô bất cứ lúc nào, có lúc đến từ… 4 giờ sáng (vì hôm đó cắm trại ngày 26-3) chúng tôi tổ chức làm món bánh rán nếp nhân đậu xanh. Cả cô và trò đều chưa làm bao giờ, nên bánh chẳng phồng cũng không được ngon lắm, nhưng rồi cũng cứ hết veo, cô trò cười bảo nhau rút kinh nghiệm lần sau. Còn dịp 20-11 chúng tôi bao giờ cũng tập trung ở nhà cô trước tiên, cô dặn đi đường phải cẩn thận, không được ham vui trêu chọc nhau rồi tai nạn. Chúng tôi đi chúc các thầy cô giáo bộ môn, rồi 3 giờ chiều lại tụ tập về nhà cô, cô nấu mì cho ăn hoặc ăn bánh kẹo…, trêu đùa quậy phá ở nhà cô chán cho đến hết ngày mới về nhà. Những món quà chúng tôi tặng cô thật đặc biệt. Có đứa mua tặng cô mấy quả cam, đứa là cuốn sổ tay nhỏ, hay một tấm bưu ảnh nhỏ, nắn nót đề tặng để mai này cô nhìn thấy là nhớ về mình, đứa lại là cuốn truyện (để mai này cô đọc cho các em. Vì đôi khi ở những giờ học nhận thấy không khí lớp trầm, mệt mỏi cô vẫn hay đọc một chuyện vui nhỏ để xốc lại tinh thần cho chúng tôi), có khi lại là một bó hoa cả vườn nhà và hoa dại hái trên đồi ở miền trung du chúng tôi mà cô rất thích. Chúng tôi như những chú chim con, những đứa em thơ dại mà cô là người chị hiền (vì cô còn rất trẻ). Chuyện gì cũng có thể hỏi cô để tâm sự như bầu bạn hay nghe ở cô một lời khuyên. Còn chuyên môn của cô thì… tuyệt vời, chúng tôi ngóng chờ tiết văn của cô, để được nghe tiếng cô giảng, có ốm cũng không muốn nghỉ, cố đi học vì hôm nay có giờ văn. Chúng tôi yêu cô, yêu văn, và không biết vì cô có bao nhiêu đứa nuôi khát vọng trở thành cô giáo dạy văn như cô…

Hôm nay họp lớp, họp vì có tôi ở miền Nam ra, đó là lý do. Đứa phóng xe máy từ Hà Nội về. Đứa thành đạt có xe hơi chở cả vợ con và bạn cùng về, đứa từ Vĩnh Phúc. Phú Thọ… Hai phần ba lớp tôi tụ họp trong ngôi nhà xưa của cô, vẫn không đổi khác nhiều lắm. Chúng tôi từ nhiều miền đất nước trở về, cánh phụ nữ trổ tài bếp núc với những món đặc sản của vùng mình sống, còn đám đàn ông thì làm chân chạy cho chị em sai vặt… Chúng tôi vừa nấu nướng, chuyện trò rúc rích cả ngàn câu chuyện gia đình, Công việc, con cái… nhưng nhiều nhất là ôn lại chuyện ngày xưa. Cô ra vào đun nước pha trà, cô bảo: “uống đi rồi mà đi lại tha hồ nhớ vị ngọt của xứ Thái quê mình”, mắt cô lấp lánh ánh cười, nhìn cô rạng ngời hạnh phúc.  

Một ngày trôi qua thật nhanh, ôm lấy từng đứa trong vòng tay mình, mắt cô như nhòa đi khi ôm tôi: “đứa con xa nhất” sau hơn 20 năm mới trở lại. Nắng thu vàng cuối tháng mười tuyệt đẹp, ông mặt trời như ngừng lại, không lên, không xuống, nắng vàng  như mật ong, không gian như vương đầy thứ bụi phấn vàng huyền hoặc phủ lên cô trò tôi. Như lạc giữa miền cổ tích diệu kỳ, nhưng là chuyện có thật. Cô ơi! Cô chính là người đã lưu giữ câu chuyện cổ tích ấy. Mãi mãi trong lòng chúng con!

 

Lan Hương

 


Ý kiến bạn đọc