Tư vấn mùa thi
Để học nhóm có hiệu quả
Những ngày này, chương trình học trên lớp đã kết thúc. Tuy nhiên, học sinh khối lớp 12 vẫn phải tiếp tục học để ôn thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ. Trong nhiều cách như học tại lớp, học kèm, tự học, đi ôn ở các lớp luyện thi… thì học nhóm là một trong những cách học mang lại hiệu quả cao.
Hiểu theo cách thông thường, học nhóm là một hình thức học hợp tác có sự tham gia của nhiều học sinh, hoặc có thầy giáo hướng dẫn hoặc không. Địa điểm có thể là trên lớp học hằng ngày hoặc một nơi thuận lợi khác. Mỗi nhóm thường có 4-5 học sinh. Nội dung học là lượng kiến thức đã được chuẩn bị trong giới hạn một hoặc nhiều vấn đề của môn học đã định. Có nhiều phương pháp như trao đổi, thảo luận, kết hợp giải bài tập nâng cao lý thuyết và đánh giá riêng.
Để học nhóm hiệu quả, cần chú ý những kinh nghiệm sau:
Trước hết, số lượng thành viên trong nhóm học phải vừa đủ, không nhiều quá hoặc ít quá, thường là 4-5 người. Mỗi người phải tự xác định được mục đích, tinh thần trách nhiệm bản thân, phải thực sự hiểu nhau và có nhu cầu học để lĩnh hội kiến thức.
Thứ hai, các thành viên trong nhóm không nhất thiết phải ngang bằng nhau về khả năng. Mỗi người phải có thế mạnh riêng về một môn học nào đó để tương trợ lẫn nhau. Mỗi người được phân công làm một việc. Ý kiến của một người được xây dựng thành ý kiến của nhiều người. Đây sẽ là kiến thức cho cả nhóm vận dụng chung.
Thứ ba, có thể linh động song cần phải có lịch học cụ thể. Thường là mỗi ngày học chỉ một đến hai môn. Thời gian được bố trí học phải thuận lợi và khoa học, khoảng 120 phút một lần. Các thành viên phải có mặt đúng giờ theo lịch. Trước khi học bài mới, một hoặc hai thành viên đại diện nhắc lại bài cũ. Nếu quên hoặc thiếu kiến thức, bằng trí nhớ, các thành viên khác sẽ bổ sung hoàn chỉnh rồi mới tiến hành học bài mới. Khi học bài mới, đại diện nhóm trình bày kiến thức, giải bài tập. Các thành viên khác bổ sung, hoàn chỉnh rồi cả nhóm ghi vào vở để ghi nhớ. Sau đó đại diện nhóm trưởng lấy ý kiến của thầy cô giáo về mặt kiến thức.
Thứ tư, bên cạnh nội dung, phương pháp, vấn đề tâm lý cũng cần được quan tâm. Các thành viên nên mạnh dạn nhìn nhận những mặt mạnh yếu, khuyết điểm của mình. Từ đó tìm hướng khắc phục để tự rèn luyện, nâng cao. Cũng không nên tự tin quá mức cho rằng mình đã nắm vững kiến thức.
Tuy nhiên cách học này cũng có những mặt trái nếu như các thành viên không tuân thủ nguyên tắc tự ý thức, không đồng lòng; thiếu sự giám sát của thầy cô, gia đình, học sinh tập hợp lại học không được bao nhiêu chỉ đùa giỡn, nói chuyện làm mất thời gian dẫn đến kết quả không cao.
Ý kiến bạn đọc