Multimedia Đọc Báo in

Đinh Nguyễn Thùy Linh vươn lên bằng nghị lực

10:00, 26/09/2010

Ngày 30-4-1993 Đinh Nguyễn Thùy Linh cất tiếng khóc chào đời trong niềm vui sướng, mong mỏi của cả gia đình. Tuy nhiên, chỉ 8 tháng sau, một sự lo lắng đã dần hiện lên trong đôi mắt chị Nguyễn Thị Tuyết (mẹ Linh) khi phát hiện con ngày càng phát triển không cân đối, các cơ cứng dần, miệng méo, chảy nhiều nước dãi. Thương con, hai vợ chồng chị Tuyết chăm chỉ làm việc, tích cóp được đồng nào đều dồn hết để đưa Linh đi chữa trị khắp trong Nam ngoài Bắc nhưng bệnh tình của em vẫn không thuyên giảm. Càng lớn, hai chân em càng bị rút gân không đi lại được, tay phải bị khoèo, hai hàm răng không khớp nhau nên các cử động nhai, nói, cầm nắm đều rất khó khăn. “Khi nhận thức được tình trạng bệnh tật của bản thân, em không nghĩ mình được đi học đâu. Ngày ngày nhìn các bạn cắp sách đến trường, em thèm phát khóc nhưng nghĩ bố mẹ đã khổ vì mình nhiều nên không dám đòi hỏi gì”, Linh thổ lộ. Biết ước mơ giản dị của con gái, mẹ Linh đã đến trường xin cho em được đi học. Từ đó, mẹ không chỉ là đôi chân thứ 2 của Linh mà còn là người bạn đồng hành cùng em tập viết từng nét chữ. Do tay phải bị khoèo, Linh phải luyện viết chữ bằng tay trái nên khó khăn càng nhân lên gấp bội. Nhưng trong suốt 5 năm học tiểu học, Linh luôn đạt học sinh giỏi, được thầy cô, bạn bè quý mến.

Đinh Nguyễn Thùy Linh (bên trái) được mẹ dìu đi nhận học bổng do Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh tổ chức trao tặng năm học 2010-2011.
Đinh Nguyễn Thùy Linh (bên trái) được mẹ dìu đi nhận học bổng do Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh tổ chức trao tặng năm học 2010-2011.
Tuy nhiên, khi em bước vào lớp 6, một biến cố lớn đã xảy ra, mẹ Linh sinh thêm em gái, nên không thể cõng em đi học như trước, còn người cha của Linh đã bỏ đi để lại ba mẹ con với hoàn cảnh tật nguyền và nghèo khó trong căn nhà lụp xụp chưa đầy 20m2. Lúc ấy, dường như mọi mơ ước được học hành và cánh cửa vào đời của Linh đã khép lại. Thế nhưng, một lần nữa Linh đã không chịu đầu hàng số phận, em quyết định tập đi bằng nạng gỗ để tiếp tục có cơ hội đến trường. Những ngày đầu chưa quen, nhiều hôm em bị ngã, bầm tím chân tay. Với ý chí, nghị lực phi thường và cả sự động viên, khích lệ của mẹ, sự giúp đỡ tận tình của thầy cô, bạn bè, Linh đã không ngừng vươn lên, đạt được thành tích học tập “đáng nể”. Không chỉ là học sinh giỏi, học sinh tiên tiến suốt 9 năm liền, Linh còn là học sinh giỏi môn Anh văn cấp huyện. Ý thức được khiếm khuyết của bản thân, Linh luôn cố gắng, nỗ lực. Trên lớp em chú ý nghe giảng để nắm vững kiến thức. Về nhà ngoài các bài tập thầy cô giao, em tìm tòi làm thêm các bài tập nâng cao. Hôm nào phải nghỉ học vì bệnh nặng, em đều mượn vở các bạn chép lại bài và mạnh dạn hỏi thêm những phần kiến thức chưa hiểu kỹ.

Năm nay Linh đã là học sinh lớp 10, Trường THPT Ngô Gia Tự (thị trấn Ea Kar, huyện Ea Kar). Dù đôi chân bị tật nguyền nhưng Linh chưa một lần nghĩ đến việc bỏ học và đang vững tin bước đi để thực hiện ước mơ trở thành một kỹ thuật viên tin học.

 

Nguyễn Xuân

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.