Multimedia Đọc Báo in

Phạm Trần An và ước mơ trở thành chiến sĩ công an

06:57, 24/09/2010

“…Nhờ sự giúp đỡ của các cấp, ngành, nhà hảo tâm, những học sinh nghèo, khuyết tật, mồ côi như chúng em mới có thêm điều kiện cắp sách đến trường. Chúng em hứa sẽ cố gắng học tập tốt, rèn luyện chăm để xứng đáng với sự quan tâm, thương yêu của mọi người”. Phạm Trần An, học sinh lớp 11B1, Trường THPT Trần Quốc Toản (thị trấn Ea Knốp, huyện Ea Kar) đã thay mặt các bạn phát biểu như thế tại Lễ trao học bổng cho học sinh hiếu học, học giỏi, năm học 2010-2011 do Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh tổ chức vào đầu tháng 9 vừa qua.

Phạm Trần An phát biểu tại Lễ trao học bổng cho học sinh nghèo, khuyết tật hiếu học năm học 2010-2011
Phạm Trần An phát biểu tại Lễ trao học bổng cho học sinh nghèo, khuyết tật hiếu học năm học 2010-2011

Ngày 18-2-1994 Phạm Trần An cất tiếng khóc chào đời và cũng kể từ thời điểm đó, em không còn được nhìn thấy mặt mẹ, bởi mẹ An đã chết vì bị băng huyết khi sinh. Tuy thiếu thốn sự yêu thương, đùm bọc của mẹ nhưng bù lại, An luôn nhận được sự quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ của cha. Thương con thiệt thòi vì sớm mồ côi mẹ, bố đã ở vậy nuôi An nhưng không ngờ đến năm 2004, khi vừa học xong tiểu học, căn bệnh nhiễm trùng máu đã cướp đi của em người thân duy nhất. Gặp phải nhiều bất hạnh lớn, đã có lúc An suy sụp, chán nản vì không còn chỗ dựa, không biết bấu víu vào ai để tiếp tục đến trường. May mắn thay, An đã được người cô ruột là Phạm Thị Khang đón về nuôi dưỡng. Tuy điều kiện kinh tế của gia đình cô Khang cũng còn nhiều khó khăn lại phải chăm lo cho 2 con ăn học nhưng thương cháu, gia đình cô đã gồng gánh để An tiếp tục được cắp sách tới trường. Đáp lại công ơn của gia đình cô Khang, An luôn nỗ lực vươn lên trong học tập. Suốt 10 năm liền, em luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi, học sinh tiên tiến. Để có được kết quả đó, An đã tìm ra phương pháp học tập khoa học. Ở nhà, em luôn đọc trước nội dung bài học, gạch dưới những chỗ chưa hiểu, đến lớp thì tập trung nghe giảng để nắm vững kiến thức và tự giải đáp thắc mắc của mình. Những chỗ chưa hiểu, em tranh thủ giờ giải lao hỏi thêm thầy cô, bạn bè. An cho biết, để có thể hiểu kỹ, ghi nhớ lâu các công thức, ngoài việc làm đầy đủ bài tập được giao, cần đọc và làm thêm bài tập trong các sách nâng cao. Ngoài giờ học, An luôn dành thời gian đỡ đần cô Khang làm việc nhà. “Em xem cô như người mẹ thứ hai nên sẽ cố gắng học thật tốt để đền đáp công lao nuôi dưỡng, dạy dỗ của cô. Em cũng hiểu được rằng, với hoàn cảnh của mình, chỉ có con đường học tập mới giúp em đạt được ước mơ trở thành chiến sĩ công an để góp phần giữ gìn cuộc sống bình yên cho mọi người”, An thổ lộ.

 

Nguyễn Xuân

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.