Bức tường biên giới Hadrian: Công trình quân sự nổi tiếng của Vương quốc Anh
Bức tường biên giới khổng lồ Hadrian là một bức bình phong khổng lồ chạy dài trên đỉnh núi cheo leo dọc bờ biển miền Bắc nước Anh, với chiều dài khoảng 120 km, cao 4,5m và rộng 3m. Theo ước tính của các nhà khoa học, để xây dựng được bức tường này, người xưa phải dùng khoảng 75 vạn mét khối đá.
Về nguyên nhân ra đời của bức tường, hiện các nhà khảo cổ học và các nhà sử học vẫn còn tranh cãi, nhưng có một thuyết giải thích về sự ra đời của bức tường hết sức giản đơn và có tính thuyết phục, đó là: xưa kia bức tường đã được xây dựng để ngăn cách người La Mã với người ngoại bang. Năm 122 sau Công Nguyên, Hoàng đế La Mã Hadrian cho xây dựng một bức tường thành ở đầu núi phía Tây Bắc đế quốc khổng lồ của ông. Đây là công trình quân sự mang tính chiến lược, là biểu tượng cho sức mạnh của Hoàng đế La Mã lúc bấy giờ. Để hoàn thành bức tường này, các nhà xây dựng phải bắc cầu qua sông và vượt qua vùng đất hoang dã. Nhờ có sự giúp sức của rất nhiều các công trình sư, kiến trúc sư, thợ đá có tay nghề cao và lực lượng quân đội lớn mạnh, công trình bức tường biên giới Hadrian được hoàn thành chỉ trong vòng 7- 8 năm. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, công trình đã phải mấy lần thay đổi thiết kế. Chẳng hạn như việc thay đổi chiều rộng của bức tường, hay đoạn phía Tây theo thiết kế ban đầu chỉ cần đắp bùn, đất, nhưng sau đó quyết định xây bằng đá.
Bức tường biên giới Hadrian, lúc đầu được xây từng đoạn cách quãng, mỗi quãng khoảng 1.500 m, tạo thành một thành lũy. Giữa hai thành lũy, người ta xây dựng hai lầu tháp canh cách quãng đều nhau. Các lầu tháp này là nơi đóng quân của quân canh phòng. Không lâu sau, các thành lũy đều bị biến đổi. Dọc tuyến đường biên giới lại xây dựng 14 đồn trại quan trọng mới và bức tường biên giới Hadrian trở thành doanh trại của khoảng 10 nghìn quân đồn trú. Ngoài thành lũy, đồn trại, tường biên giới còn có đường đi, căn cứ cấp dưỡng, hậu cần, công sự,...Chạy dọc theo bức tường, người ta còn đào con hào Vanlem. Giữa hào Vanlem và bức tường là một con đường nhỏ dùng để di chuyển quân mỗi khi có động.
Nhiều thế kỷ trôi qua, một số tảng đá trên tường biên giới đã bị lấy trộm, nhiều đoạn tường bị thuốc nổ phá hoại. Khoảng thế kỷ 18, một đoạn dài tường bị san phẳng làm đường. Gần đây, chính phủ Anh đã chi tới 6 triệu bảng Anh để gia cố lại bức tường thành.
Hiện tại trên bức tường thành này có tới 14 điểm có thể tham quan. Tuy nhiên, khu vực đặc biệt nhất là pháo đài Birdoswald, pháo đài được gìn giữ tốt nhất trong tổng số 16 pháo đài chính của công sự phòng thủ Hadrian. Nơi hoàn hảo nhất để ngắm cảnh là Winshields Crags. Từ độ cao 304.8 mét tại Winshields Crags, có thể nhìn sâu xuống Cheviots ở phía Bắc và Pennines ở phía Nam.
Năm 1987, bức tường biên giới Hadrian được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản Văn hóa Thế giới.
Ý kiến bạn đọc