Tranh cãi xung quanh cái chết của Hoàng đế Napoleon
Cách đây 190 năm, ngày 5-5-1821 vị hoàng đế nổi tiếng nước Pháp, Napoleon Bonapartre đã trút hơi thở cuối cùng trong cảnh lưu đày tại đảo St. Helena ở tuổi 52. Gần hai thế kỷ trôi qua nhưng những gì liên quan đến cái chết của vị hoàng đế này vẫn là thách thức lớn đối với y học hiện đại, đặc biệt là nguyên nhân, chết vì bị đầu độc hay chết do ung thư dạ dày?
Hoàng đế Napoleon Bonapartre sinh năm 1769 tại Ajaccio thuộc đảo Corsica trong gia đình quý tộc sa sút. Từ nhỏ ông đã thể hiện tính cách cứng rắn, dũng cảm và có trí thông minh hơn người. Cha ông đã sớm phát hiện thấy tính cách và gửi ông sang Pháp học tại trường quân sự Brienne-le-chateau. Tuy sáng dạ nhưng cậu bé Napoleon lại hay bị chúng bạn bắt nạt bởi "học giỏi" nhưng lại "lùn". Mặc dù có thiên hướng về tự nhiên nhưng Napoleon Bonapartre lại theo đuổi ngành pháo binh và từ đây đã hướng đời ông sang một lối rẽ khác, tạo ra một vị chỉ huy lục quân tài ba cho nước Pháp sau này. Napoleon Bonapartre được coi là một trong những nhà lãnh đạo quân sự kiệt xuất của nước Pháp nói riêng và của nhân loại thế kỷ 19. Từ một sĩ quan bình thường ông đã leo lên đài danh vọng và trở thành người hùng của nước Pháp vào năm 1804. Sau hơn một thập kỷ nắm quyền bính, Napoleon đã chinh phục được nhiều vùng đất rộng lớn ở châu Âu, nhưng cũng gặp phải không ít thất bại, từng trở thành tù binh, bị lưu đày, trốn ngục, phục hồi danh dự và cuối cùng lại bị đánh bai tại trận Waterloo. Những năm tháng cuối đời ông phải sống trong cảnh lưu đày trên đảo St. Helena và qua đời năm 1821. Cái chết của Hoàng đế Napoleon Bonapartre làm cho những đối thủ của ông thở phào nhẹ nhõm. Vì vậy nguyên nhân gây nên cái chết đã được giữ kín, được thêu dệt nên đến nay đã gần hai thế kỷ, hậu thế vẫn chưa biết thực hư, người thì cho rằng ông bị đầu độc, nhưng lại có giả thiết cho rằng ông chết vì chứng ung thư dạ dày.
Napoleon chết vì bị đầu độc thạch tín?
Sau khi thất bại trận Waterloo năm 1815, ông đã bị ép thoái vị và bị đưa đi đày tại đảo St. Helena, phía Nam Đại Tây Dương. Cũng tại đây, 6 năm sau, vị hoàng đế lẫy lừng một thời đã trút hơi thở cuối cùng bởi những cơn chảy máu không cầm được, ứa ra từ dạ dày và ruột. Năm 1961, các nhà khoa học đã phát hiện thấy một lượng thạch tín (arsenic) trong tóc của Napoleon cao hơn bình thường tới 38 lần, phát hiện trên dấy lên giả thiết cho rằng Napoleon bị đầu độc. Nghi ngờ đưa ra không phải vô căn cứ, bởi từ lâu Napoleone đã từng được xem là mối lo ngại bởi sự quay trở lại của ông không chỉ gây e sợ cho vương triều nước Pháp mà còn ảnh hưởng tới cả lục địa châu Âu, và để chấm dứt hiểm họa này chỉ có cái chết mới được xem là giải pháp tối ưu. Một trong những nghi can “nặng ký" trong vụ đầu độc Napoleon là vị thống đốc người Anh tên là Gudxon Lou và một bá tước người Pháp. Liên quan đến tình tiết đầu độc, các nhà khoa học Mỹ còn phát hiện thấy việc giải độc sau đó cho Napoleon đã làm cho vị hoàng đế này "chết nhanh", biến "khỏe thành yếu", đặc biệt là việc sử dụng một loại muối thủy ngân không màu độc hại để gây nôn và rửa ruột. Quá trình rửa ruột đã tạo ra hiện tượng thiếu hụt kali, gây loạn nhịp tim. Sáu ngày trước khi qua đời, Napoleon đã viết một bức thư cho vị bác sĩ của mình là Franchesco Antomarki yêu cầu mổ xác, xét nghiệm dạ dày và trao lại kết quả xét nghiệm cho con trai ông là Napoleon II. Sau khi Napoleon Bonapartrequa đời, bác sĩ Franchesco Antomarki người theo dõi ông suốt 18 tháng cuối đời đã tiến hành mổ xác Napoleon trước sự chứng kiến của vị bác sĩ người Anh. Kết quả, người ta không tìm được tiếng nói chung, bởi có tới 4 văn bản khác nhau được ra đời và từ đây nguyên nhân gây cái chết của Napoleon lại càng thêm nhiều ẩn số.
Napoleon Bonapartre chết vì ung thư dạ dày
Theo một nghiên cứu do các chuyên gia ở Trung tâm y khoa thuộc Đại học Texas Mỹ (UTX) do giáo sư Robert Genta đứng đầu, thực hiện gần đây thì có thể thạch tín chỉ là một chất lưu lại trong cơ thể, do Napoleon đã dùng để trị bệnh giang mai mà ông mắc phải, còn nguyên nhân gây bệnh tử vong là bệnh ung thư dạ dày giai đoạn cuối. Theo giáo sư Genta, các xét nghiệm tử thi, nhật ký điều trị, nhân chứng cho tới tiền sử gia đình và kiến thức y học hiện đại thì ung thư dạ dày là được xem là nguyên nhân đáng tin cậy hơn cả. Theo biên bản khám nghiệm tử thi năm 1821, dạ dày của Napoleon có 2 tổn thương, một vết lớn nằm trên bao tử và vết nhỏ hơn xuyên thủng tới dạ dày ra tận gan. Sau khi nghiên cứu, nhóm đề tài của giáo sư Genta đã tiến hành đối chiếu với những vết thương lành tính khác và những mẫu ung thư dạ dày khác thì những vết tổn thương trên dạ dày là dấu hiệu di căn vào giai đoạn cuối, thậm chí nó đã di căn sang cả bộ phận kề cạnh. Theo y học hiện đại, nếu được chăm sóc tốt, Napoleon cũng chỉ sống được một năm nữa. Ngoài việc dựa vào các kết quả xét nghiệm, nhóm nghiên cứu của giáo sư Genta còn xem xét lại 12 chiếc quần của Napoleon mặc trong giai đoạn đi đày ở đảo St. Helena. Theo đó, 6 tháng cuối đời vòng eo của Napoleon giảm từ 109 xuống còn 96 cm, giảm khoảng 13 kg trong vòng 6 tháng, điều này rất phù hợp với sức khỏe của những người mắc bệnh ung thư dạ dày giai đoạn cuối.
Giả thiết Napoleon Bonapartre chết vì ung thư dạ dày có tính thuyết phục cao hơn bởi thân phụ của ông trước đây cũng qua đời từ căn bệnh này, còn bản thân Napoleon lại là người có "cơ địa" không được tốt, tham việc, ăn uống không đảm bảo. Theo sử sách còn ghi thì Napoleon từng là đứa trẻ sinh thiếu tháng, người rất gầy, từng mắc chứng viêm bàng quang, khó đi tiểu, bí đái, táo bón, trĩ chảy máu, mắc chứng giãn tĩnh mạch hậu môn nên trong trận Waterloo ông đã phải ngồi xe thay vì cưỡi ngựa để chỉ huy, mặc dù trước đó ông rất khỏe, cưỡi ngựa đi săn mỗi ngày trên 10 tiếng. Theo những người cùng thời với ông kể lại, Napoleon còn bị bệnh ngứa, viêm gan và ho dai dẳng. Riêng về cuộc sống tình dục cũng có nhiều lời đồn thổi, có nhiều vấn đề tế nhị như mắc bệnh đồng tính luyến ái, bệnh liệt dương mặc dù ông vẫn có con bình thường với một phụ nữ tên là Marie Louise. Thực tế, Napoleon có hai vợ chính thức và một con trai nhưng lại có tới 6 người con khác ngoài giá thú. Khi khâm liệm, người ta thấy cơ thể ông có nhiều dấu hiệu không bình thường, như sinh dục ngoài rất ít nam tính, ngực tròn, chân tay nhỏ, thậm chí dư luận còn rất nhiều tranh cãi về chiều cao của Napoleon, nơi thì nói ông cao 1,57m, nơi thì ghi cao trên 1,68m... Là con người tài ba nhưng lắm bệnh nên Napoleon có rất nhiều bác sĩ chăm sóc, song ông không có thiện cảm với ngành y, từng nhận xét "Hóa học là mánh khóe của ngành y còn y học là môn khoa học của những kẻ giết người". Và cũng phải nói thêm rằng do sức khỏe kém đã ảnh hưởng rất lớn đến khả năng cầm quân của ông, mặc dù Napoleon là một nhà quân sự tài ba, quyết đoán và có nhiều kinh nghiệm.
Ý kiến bạn đọc