Những chuyện chung quanh “Chiếu thư Nhật Bản chấp nhận đầu hàng vô điều kiện” của Nhật hoàng trong chiến tranh thế giới lần thứ 2
Ngày 9-8-1945, nhà nước Đức quốc xã ký văn bản đầu hàng vô điều kiện phe Đồng minh và Hồng quân Liên Xô. Sau đó, tại Hội nghị Pôtxđam vào ngày 26-7, ba nước Trung Quốc, Mỹ, Anh đã ra Thông cáo gửi chính phủ Nhật, yêu cầu Nhật đầu hàng. Từ ngày 26-7 đến ngày 1-8, máy bay Đồng minh đã rải xuống các thành phố Nhật 1.500.000 truyền đơn và 3.000.000 tờ Thông báo Pôtxđam.
Nội dung chủ yếu của Thông báo Pôtxđam như sau: “Chúng tôi nghiêm chỉnh thông báo cho chính phủ Nhật Bản: Cần tuyên bố ngay lập tức tất cả các lực lượng vũ trang phải đầu hàng vô điều kiện, cần có sự bảo đảm chắc chắn cho hành động đó. Không còn con đường nào khác, nếu không Nhật Bản sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn một cách mau chóng”. Còn về phía Liên Xô, Hồng quân nhận nhiệm vụ sẽ giải quyết xong mặt trận phía đông với Nhật Bản trong vòng ba tháng tới. Đến ngày 8-8, Liên Xô tuyên chiến với Nhật. Lúc 0 giờ ngày 9-8, một triệu Hồng quân với thế tiến công như vũ bão đã đồng loạt tấn công đội quân Quan Đông của Nhật có tới 70 vạn tên đóng trên đất đông bắc Trung Quốc. Cuộc tiến công đã được báo trước nhưng Nhật Bản vẫn hoàn toàn bất ngờ về thời điểm và các hướng tấn công. Nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn của quân đội Nhật là không sao tránh khỏi.
Cũng vào ngày 9-8, trong căn hầm trú ẩn tại hoàng cung Nhật đã nổ ra một cuộc tranh luận quyết liệt giữa các nhân vật quan trọng trong quân đội và chính quyền xoay quanh vấn đề có nên tiếp nhận “Thông cáo Pôtxđam” hay không.
Ngoại trưởng Tugu Sigiênôri nói: “Tình hình trong nước và ngoài nước như hiện nay, với điều kiện phải bảo vệ quốc thể, và giữ cho được chế độ Thiên hoàng, chỉ còn có cách đầu hàng vô điều kiện…”. Tổng tư lệnh hải quân Tôyata nói: “Nếu đầu hàng, thì ngoài vấn đề bảo vệ quốc thể còn phải kèm theo ba điều kiện: một là Nhật Bản tự giải quyết tội phạm chiến tranh; hai là được giải giáp vũ trang một cách tự chủ; ba là quân đồng minh không được chiếm đóng lãnh thổ Nhật Bản…”. Còn Tư lệnh lục quân Anami Kôrêsika thì vô cùng giận dữ: “Tôi kiên quyết phản đối đầu hàng vô điều kiện… Nếu đánh tốt thì ta có thể đánh lui địch đổ bộ lên đất nước ta…”.
Cuộc họp không có kết quả. Ngay chiều hôm đó (9-8-1945), Thủ tướng Nhật Suduki họp Nội các. Về việc tiếp thu “Thông cáo Pôtxđam”, các thành viên Nội các cũng không thống nhất: 6 người đồng ý, 3 người phản đối, 5 người không tỏ thái độ. Cuối cùng, đành tâu lên Thiên hoàng…
Lúc 11 giờ đêm ngày 9-8-1945, trong hầm ngầm trú ẩn ở hoàng cung đã diễn ra cuộc họp. Nhật hoàng mời ông bí thư đọc to “Thông cáo Pôtxđam” rồi sau đó tuyên đọc Bản đề án của ông đã viết sẵn: “Chính phủ Nhật Bản sẵn sàng tiếp thu mọi điều khoản nêu trong Thông cáo Pôtxđam do chính phủ Mỹ, Anh, Trung Quốc và sau đó cả Liên Xô cùng ký tên, nhưng cần được hiểu rằng Thông cáo trên không yêu cầu bất cứ một điều gì tổn hại cho đặc quyền của nhà vua với tư cách là người thống trị cao nhất”. Tiếp đó Thủ tướng Tugu nói rõ nguyên do của đề án. Ông nhấn mạnh: “Tiếp thu” Thông cáo Pôtxđam” tuy không còn thể diện gì, nhưng trong điều kiện hiện nay, không thể không tiếp thu… Giờ phút này chỉ có thể nêu ra một điều, đó là giữ cho được chế độ Thiên hoàng. Chỉ cần Thiên hoàng còn thì ngày phục hưng của dân tộc Nhật còn”. Tuy nhiên, Tư lệnh lục quân Anami và hai vị bộ trưởng Umêzu và Toyata vẫn một mực phản đối. Nhật hoàng kết luận: “Lúc này đành phải quyết định như thế…”. Và từ ngày 10-8, tin Nhật Bản chấp nhận đầu hàng vô điều kiện đã lan ra cả thế giới.
Ngày 14-8, Nhật Bản lại triệu tập một cuộc họp trước mặt Nhật hoàng. Hai vị Bộ trưởng hải, lục quân và Tổng tư lệnh lục quân Anami khóc lóc thảm thiết. Họ cho rằng nếu Đồng minh không cho phép giữ lại chế độ Thiên hoàng thì chỉ còn cách tiếp tục chiến tranh để tìm cái sống trong cái chết. Cả phòng họp lắng xuống để nghe tiếng nói rất nhỏ của Thiên hoàng Hirôhitô: “Quyết tâm khác thường của ta không thay đổi nữa”. Phòng họp vang lên tiếng khóc nức nở. Thiên hoàng lập tức ra lệnh khởi thảo “Chiếu thư Nhật Bản chấp nhận đầu hàng vô điều kiện”, đồng thời tổ chức thu thanh ngay Chiếu thư đó.
Đến khuya, một nhóm những phần tử cứng rắn trong phái chủ chiến bất ngờ đột nhập vào hoàng cung với mưu đồ đánh cắp băng đã thu thanh chiếu thư của Nhật hoàng nhằm ngăn chặn việc phát thanh ra toàn quốc. Nhưng những kẻ liều mạng đó đã bị đàn áp tức khắc. Lời thu thanh bức Chiếu thư đã được phát hành ra toàn quốc. Những người cầm đầu cứng rắn như tướng lục quân Anami biết âm mưu đã bại lộ, liền mổ bụng tự sát tại tư dinh.
Sáng ngày 2-9-1945, tân ngoại trưởng Nhật Namoru và Tổng tham mưu trưởng Nhật Umêzu Yôsigiru ký vào văn bản đầu hàng, sau đó đại diện Đồng minh ký tiếp nhận sự đầu hàng của Nhật. Cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai đã kết thúc.
Ý kiến bạn đọc