Multimedia Đọc Báo in

Một nhà thầu con tại Thủy điện Sêrêpôk 4 có dấu hiệu xù nợ !

09:18, 02/08/2010

Trong khi nhiều hạng mục công trình Thủy điện Sêrêpôk 4 đang gấp rút hoàn tất những công đoạn cuối cùng để bàn giao cho chủ đầu tư theo đúng tiến độ thì giám đốc Công ty Thảo Nguyên Sơn (TNS) - một nhà thầu con - bỗng dưng “mất tích”, để lại hàng trăm triệu đồng tiền nợ mua vật liệu, lương công nhân, khiến nhiều người hoang mang, đứng ngồi không yên.

Theo đơn cầu cứu của một nhóm chủ nợ gồm doanh nghiệp, đại lý kinh doanh vật liệu xây dựng, nhóm thợ… thì công ty này đang nợ khoảng 700 triệu đồng. Trong đó, nợ tiền vật liệu Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thụ Loan (Buôn Đôn) khoảng 200 triệu đồng; tiền nhân công của ông Vũ Đình Nhì trên 140 triệu đồng; tiền nhân công và “mượn” một cuốn sổ đỏ của ông Vũ Công Lịch trên 100 triệu đồng; ông Lý Quang Liên (cho thuê thiết bị xây dựng) 112 triệu đồng... Điều đáng nói là từ tháng 12-2009 đến nay, các chủ nợ trên đã không còn liên lạc được với ông Trần Minh Đoàn, Giám đốc của TNS nữa.

Được biết, từ tháng 2-2008, Thủy điện Sêrêpôk 4 khởi công xây dựng, trong đó Công ty CP Xây dựng 47 là nhà thầu chính. Ngày 1-8-2009, Công ty này đã ký hợp đồng với Công ty TNS (trụ sở tại 289 Trường Chinh, P.14, Q.Tân Bình, TP.HCM) thi công một số hạng mục: hoàn thiện trạm biến áp, tường rào, mương cáp, đường nội bộ của nhà máy…, với giá trị hợp đồng ước tính khoảng 4 tỉ đồng, hình thức thanh toán theo nhiều đợt. Sau khi ký hợp đồng với Công ty 47, ông Trần Minh Đoàn đã đứng ra mua vật liệu, thuê mướn nhân công, phương tiện thiết bị để thi công. Cho đến đầu tháng 7-2010 (khi hợp đồng giữa Công ty CP Xây dựng 47 và TNS còn ít ngày nữa là kết thúc) phía TNS vẫn không chịu thanh toán tiền cho các đại lý, lao động theo thỏa thuận. Trước tình thế đó, các chủ nợ chỉ còn cách kéo đến công trường Sêrêpôk 4 túc trực đòi nợ, đồng thời làm đơn cầu cứu gửi các cơ quan chức năng.

Anh Vũ Đình Nhì (bìa trái) và ông Hoàng Văn Thụ (giữa) đang trình bày sự việc với phóng viên Báo Dak Lak.
Anh Vũ Đình Nhì (bìa trái) và ông Hoàng Văn Thụ (giữa) đang trình bày sự việc với phóng viên Báo Dak Lak.


Ông Phan Thanh Lân, GĐ điều hành công trường Thủy điện Sêrêpôk 4 (thuộc Công ty CP Xây dựng 47) cho biết, hơn 7 tháng nay, công ty ông không còn liên lạc được với ông Đoàn, mọi công việc chỉ có thể liên lạc thông qua Phó GĐ Công ty TNS là ông Đào Thanh Định, nhưng cũng lúc được, lúc không. Nhiều công văn, giấy mời được gửi đi hoặc fax về địa chỉ Công ty này đều không có hồi âm (?!) Ông Hoàng Văn Thụ, Giám đốc Công ty Thụ Loan cho biết, đã từng có người lần theo địa chỉ tìm đến trụ sở Công ty TNS tại Q.Tân Bình, TP.HCM đòi nợ, nhưng khi đến nơi mới phát hiện ra địa chỉ trên chỉ là một tiệm bán giày dép và photocopy. Ông Thụ cho biết thêm, từ đầu, Công ty TNS đã có dấu hiệu lừa đảo, khi đơn vị này chủ động đến hợp đồng mua vật liệu xây dựng với công ty ông nhưng lại không chịu ký hợp đồng mua bán! Không chỉ riêng công ty ông Thụ mà với nhiều đơn vị khác phía TNS cũng làm như vậy. Thậm chí, khi một số chủ nợ tạo áp lực, ông Đào Thanh Định đã đứng ra viết giấy nhận nợ và hứa sẽ trả nhưng đến nay cũng im lặng, không có động tĩnh gì.

Gánh chịu hậu quả nặng nề nhất trong số các chủ nợ của Công ty TNS là ông Vũ Đình Nhì (trú thôn 9, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn) người đứng ra nhận thầu một số hạng mục và tập hợp công nhân, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ vào đây làm công. Đội của ông Nhì có hơn 30 công nhân, thời kỳ cao điểm lên đến 60 người. Dù đã tìm mọi cách xoay xở, thậm chí bán hết tài sản trong nhà để trả lương công nhân, ông Nhì vẫn còn nợ tiền công của anh em trong đội hơn 140 triệu đồng. “TNS không chịu thanh toán nên tôi không có tiền để trả cho anh em. Có người thông cảm, nhưng có người không hiểu lại nghi mình quỵt tiền công, tìm đến nhà hăm dọa, hoặc chặn đánh tôi một  trận thừa sống thiếu chết. Nhiều tháng nay, gia đình tôi không còn dám về nhà nữa, mà phải dọn lên công trường để ở, rất khổ cực”, ông Nhì buồn bã nói. Ông Phan Thanh Lân cho biết thêm, Công ty 47 đã thanh toán cho TNS tổng cộng 3 đợt với tổng số tiền là 1,1 tỷ đồng, số còn lại sẽ thanh toán khi thanh lý hợp đồng, nhưng do nhiều hạng mục phía TNS nhận thầu nhưng không làm, Công ty 47 đã thu hồi để thi công cho đúng tiến độ, nên số tiền sẽ thanh toán còn lại cũng nhiều nữa. Sốt ruột trước sự mất tích đáng ngờ của ông Đoàn, các chủ nợ đã làm đơn đề nghị Công ty 47 chuyển trực tiếp số tiền của TNS sang cho họ, nhưng theo ông Lân, trên nguyên tắc phải thanh toán cho doanh nghiệp trực tiếp ký hợp đồng, nên Công ty 47 không thể giải quyết được. Ông Lân cũng cho biết, theo kế hoạch, đáng lẽ từ ngày 8 đến ngày 10-7, Công ty 47 và Công ty TNS đã thanh lý hợp đồng, nhưng đến thời điểm này vẫn chẳng thấy TNS đâu (?!)

Bài, ảnh : Lệ Văn

Ý kiến bạn đọc