Multimedia Đọc Báo in

Bạn đọc viết

Bài học qua việc thực hiện chính sách trợ cước, trợ giá tại xã Ea Trul (Krông Bông)

09:52, 04/04/2011

Năm 2009, chương trình trợ cước trợ giá – một hợp phần nhỏ của Chương trình 135 đã được triển khai thực hiện tại buôn PLum và buôn Băng Cung, xã Ea Trul (Krông Bông) với nguồn vốn 650 triệu đồng. Số tiền này đã được đầu tư theo hình thức cấp bò cái sinh sản cho người dân nhằm phát triển chăn nuôi, nâng cao thu nhập cho các gia đình nghèo. Chủ trương đúng, ý tưởng hay nhưng khi thực hiện lại có nhiều bất cập.

Với nguồn vốn 650 triệu đồng, Phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn huyện Krông Bông đã mua và cấp 130 con bò cái sinh sản cho 130 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở hai buôn PLum và buôn Băng Cung, xã Ea Trul (mỗi hộ được hỗ trợ 1 con bò giống tương đương 5 triệu đồng). Tuy nhiên, đến nay, qua một năm thực hiện, số lượng đàn bò không tăng lên mà đang có nguy cơ ngày càng giảm sút. Cụ thể, theo kết quả giám sát của HĐND xã Ea Trul tiến hành vào thời điểm cuối năm 2010, số bò còn lại tại buôn PLum chỉ có 40 con, giảm mất 21 con; tại buôn Băng Cung, số bò giống còn lại là 58 con, giảm mất 11 con. Các hộ dân đã giải thích nguyên nhân của việc giảm số lượng bò này bằng những lý do khác nhau như: 5 hộ bán bò giống để mua gạo ăn, giải quyết nhu cầu lương thực; 17 hộ bán bò vì cho rằng bò nuôi không lớn, chậm phát triển, bị bệnh chết; thậm chí có đến 10 hộ bán bò để mua sắm phương tiện sinh hoạt như tivi, xe máy, tủ lạnh…(!) Ông Nguyễn Đa, Chủ tịch HĐND xã Ea Trul cho biết: Nguyên nhân đàn bò ngày càng giảm sút về số lượng có phần do chất lượng đàn bò khi bàn giao cho các hộ gia đình là không tốt, chưa được tiêm phòng dịch bệnh, thậm chí có nhiều con bị suy dinh dưỡng, bị bệnh tiêu chảy dẫn đến đàn bò chết dần, chết mòn là khá cao, chiếm tới 13%. Bên cạnh đó, nhận thức của một số người dân được thụ hưởng chương trình này là chưa cao, còn trông chờ, ỷ lại; thậm chí một số hộ cho rằng đây là nguồn vốn cho không nên đã tùy tiện bán đi để lấy tiền sử dụng sai mục đích.

Thiết nghĩ, việc thực hiện Chương trình trợ cước, trợ giá theo phương thức cấp bò cái sinh sản cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo để phát triển chăn nuôi, phát triển đàn bò là chủ trương hợp lý, phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế ở địa phương. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả hơn chủ trương này, các ngành chức năng từ huyện đến cơ sở cần làm hết vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tuyển chọn giống bò tốt, khỏe mạnh để cấp cho người dân; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của bà con đồng thời thường xuyên giám sát, kịp thời hướng dẫn bà con cách chăm sóc, phát triển đàn bò đúng kỹ thuật, mang lại hiệu quả kinh tế cao.   

 

Phúc Trình

 


Ý kiến bạn đọc