Multimedia Đọc Báo in

BẠN ĐỌC VIẾT

Bảo vệ môi trường nông thôn: Nan giải bài toán ý thức người dân

17:50, 09/04/2011

Những năm gần đây, khi kinh tế vùng nông thôn ngày càng phát triển, các  trang trại, gia trại chăn nuôi, các nhà hàng, quán ăn, các loại chợ cóc, chợ tạm ở các thị tứ, các khu vực đông dân cư xuất hiện ngày càng nhiều, thêm vào đó là hoạt động của các làng nghề truyền thống, HTX sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Sự phát triển mạnh của các loại hình kinh tế đã kéo theo sự ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng môi trường nông thôn. Nước thải từ chăn nuôi, từ sản xuất của các làng nghề được thải ra vệ đường, cánh đồng sản xuất mà chưa qua xử lý, rác thải sinh hoạt của các hộ gia đình, quán ăn, ki ốt bán tạp hóa, nhà hàng.... được cho vào các bao tải lớn nhỏ rồi ngang nhiên đổ ra sông rạch, hai bên trục đường giao thông. Nguy hiểm hơn là trong số rác hỗn hợp đó còn có các mảnh chai vỡ, ống thuốc tiêm đến mùa mưa lũ trôi dạt ra các cánh đồng sản xuất, đã có nhiều vụ tai nạn do dẫm đạp phải các mảnh chai, mảnh vỡ khi cày bừa, gặt hái. Một nghịch lý là hiện nay khi xóm, làng, thôn, buôn đổi thay, hệ thống đường giao thông thôn, ấp, bản, xã được bê tông, nhựa hóa, nhà văn hóa được xây dựng khang trang thì ở hai bên đường một số nơi đã biến thành những bãi rác di động. Một số chợ không có người thu gom  rác nên chợ họp xong thì chợ trở thành một bãi rác.

Một trong những nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn là do người dân còn thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức, ý thức về bảo vệ môi trường, thậm chí một bộ phận không nhỏ người dân có nhận thức vẫn phớt lờ các quy định và cố tình vi phạm vì những cái lợi trước mắt.... Những năm gần đây, chính quyền ở nhiều địa phương cũng đã quan tâm, chỉ đạo công tác bảo vệ môi trường, các quy chế về môi trường đã được soạn thảo và thực hiện. Một số địa phương đã thực hiện dự án khí sinh học, xây dựng nhiều hầm ủ Biogas bảo đảm môi trường, sản xuất phân  bón sạch phục vụ sản xuất nông nghiệp. Một số xã, phường đã xây dựng được mô hình "Thu gom rác thải" do Hội phụ nữ, Hội nông dân đảm nhận, thành lập và hoạt động của các HTX môi trường đã đem lại những hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, nhìn chung công tác bảo vệ môi trường nông thôn hiện nay ở nhiều nơi mới chỉ dừng lại ở tuyên truyền, vận động mà chưa có các chế tài xử phạt, các tổ chức đoàn thể quần chúng một số nơi chưa thực sự vào cuộc cùng với chính quyền trong việc thực hiện quy chế bảo vệ môi trường ở địa phương mình. Điều đó cho thấy, thời gian qua chúng ta đã quá tập trung vào việc xây dựng các hành vi cũng như tuyên truyền về văn hóa môi trường mà thiếu những giải pháp, những quyết sách nhằm chống các hành vi thiếu văn hóa, vi phạm pháp luật môi trường.

Thiết nghĩ, để thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ môi trường nông thôn hiện nay, các cơ quan chức năng cùng với chính quyền địa phương cần tăng cường kiểm tra quản lý về hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn để có biện pháp xử lý kịp thời các cơ sở sản xuất, các hộ gia đình vi phạm về môi trường, tác động đến ý thức của người dân, khơi dậy phong trào quần chúng thực hiện và phát hiện các tổ chức cá nhân vi phạm, hoàn thiện các văn bản pháp luật, các chế tài cụ thể về quản lý môi trường trên địa bàn. Bên cạnh đó, các xã, phường, thị trấn cần có quy hoạch, các điểm đổ rác, vận động nhân dân xử lý rác tự phân hủy tại hộ gia đình, từng bước triển khai các biện pháp xử lý rác đồng bộ, khoa học theo quy định của pháp luật. Đi đôi với xử lý vi phạm các cấp, chính quyền, các tổ chức đoàn thể quần chúng cần đẩy mạnh phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường", nêu gương người tốt, việc tốt, phát huy vai trò gia đình trong giáo dục, định hướng lối sống và nếp sống văn hóa môi trường, ngăn chặn những tư tưởng hành vi phá hoại môi trường trái với pháp lụât, đồng thời đưa vào tiêu chí bình xét gia đình,  làng, xã văn hóa hằng năm.

 

Dương Chí Tâm

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.