Multimedia Đọc Báo in

Bạn đọc viết

Cán bộ chiến sĩ công an Trại cải tạo Dak Trung tận tình, chu đáo tiếp dân

09:14, 19/08/2011

Một ngày cuối tháng 7-2011, tôi cùng 7 thành viên là thân nhân đến thăm phạm nhân Dương Văn Mười (65 tuổi), thường trú tại xã Dak Nđrót, huyện Dak Mil (tỉnh Dak Nông), hiện đang cải tạo tại trại giam Dak Trung.

Buổi sáng hôm ấy trời mưa to như trút nước, chúng tôi đi ô tô từ Dak Mil gần 60 km mới tới nơi. Theo lịch của trại, mỗi tuần vào ngày chủ nhật, người nhà mới được vào thăm phạm nhân, thời gian từ 15-20 phút. Người vào thăm là chồng hoặc vợ, con hoặc cha mẹ ruột của phạm nhân. Đoàn chúng tôi có tám người, gồm vợ ông Mười, các cháu gọi ông Mười bằng cậu ruột, trong đó có hai vợ chồng tôi mới từ tỉnh Hưng Yên vào.

Qua vọng gác 1, sau khi kiểm tra giấy tờ để làm thủ tục, một chiến sĩ công an cho biết: theo nội quy của trại, chỉ được hai thân nhân vào thăm, đối tượng là vợ, con ông Mười. Tất cả chúng tôi đều thất vọng bởi chúng tôi vừa trải qua một hành trình hàng nghìn cây số vào đây với ước mong duy nhất là được gặp người thân của mình. Sau vài phút “hội ý”, mọi người ưu tiên để vợ chồng tôi được vào thăm, vì chúng tôi ở tận Hưng Yên, biết khi nào mới lại vào được.

Ông Mười là một phạm nhân đã già yếu, cao tuổi nên chúng tôi vẫn muốn tất cả mọi người cùng được vào thăm, vì biết đâu có thể lần này là lần cuối cùng chúng tôi còn được gặp ông! Tôi bày tỏ nguyện vọng của mình với chiến sĩ công an khi nãy, với một chút hy vọng mong manh. Chấp nhận ý kiến của tôi, người chiến sĩ công an mang tất cả các giấy tờ vào báo cáo với lãnh đạo Ban giám thị trại giam. Chừng 15 phút sau, một cán bộ của trại ra thông báo: “Trường hợp thân nhân ông Mười, chúng tôi cho cả 8 thành viên vào thăm, nhưng mỗi người chỉ được gặp phạm nhân 3 phút, vì phòng tiếp chật hẹp, phải dành chỗ cho các thân nhân phạm nhân khác đến thăm”.

Tất cả chúng tôi đều vô cùng mừng vui, sung sướng. Mặc dù nội quy như vậy, nhưng lãnh đạo trại giam ở đây đã không cứng nhắc, mà linh động ứng xử với từng đối tượng thân nhân ưu tiên cho thân nhân ở xa từ mấy nghìn cây số. Cử chỉ vồn vã, ân cần của trung tá Phạm Văn Hoan và các chiến sĩ công an ở đây đã để lại trong lòng chúng tôi sự cảm mến. Chúng tôi được tiếp đón chu đáo, đặc biệt một chiến sĩ công an thấy một chị trong đoàn chúng tôi hai tay xách nặng trĩu thực phẩm đã nhanh nhẹn xách giùm đến tận phòng tiếp xúc phạm nhân.

Chỉ phải chờ 10 phút, chúng tôi đã được gặp ông Mười. Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên và phấn khởi khi thấy ông Mười đã ngót 70 tuổi nhưng trông vẫn hồng hào khỏe mạnh, minh mẫn. Điều đó giúp chúng tôi rất an tâm vì người thân được cải tạo ở trại giam này. Mặc dù là phạm nhân, nhưng đời sống vật chất, tinh thần ở đây vẫn luôn được bảo đảm. Tìm hiểu thêm thì chúng tôi được biết: Mọi tiêu chuẩn, chế độ của phạm nhân luôn được bảo đảm đúng theo quy định và luôn minh bạch, rõ ràng. Quà tiếp tế của phạm nhân luôn được kiểm tra chặt chẽ, có phiếu ghi số lượng, tên từng loại quà, thực phẩm, giao và ký nhận trực tiếp với thân nhân.

Hôm đó là trời mưa, người nhà của những phạm nhân khác đến thăm ít hơn, vì vậy một lần nữa chúng tôi lại được ưu tiên thêm chút thời gian tiếp xúc với người nhà của mình.

Chia tay ra về, trời Tây Nguyên mưa như trút nước và se lạnh. Song trong lòng chúng tôi lại thấy ấm áp vô cùng, bởi đến đây, chúng tôi không chỉ được gặp người thân của mình, mà còn nhận được những tình cảm, nghĩa cử cao đẹp của những chiến sĩ công an nhân dân ở trại cải tạo Dak Trung này.

Nguyễn Đại Phương

Ý kiến bạn đọc