Cần có chính sách đãi ngộ để thu hút sinh viên tốt nghiệp về công tác tại địa phương miền núi
Để nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức tại địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, hằng năm Nhà nước bỏ ra một khoản kinh phí không nhỏ để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức đáp ứng nhiệm vụ quản lý đất nước trong thời kỳ mới. Trong khi đó, một số lượng sinh viên tốt nghiệp ra trường không có việc làm với nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng một nguyên nhân có thể nhận thấy đó là, sinh viên sau khi tốt nghiệp thường tìm cách ở lại thành phố, thành thị và chấp nhận làm trái ngành nghề để chờ công việc, chứ không thích đến vùng xa xôi, hẻo lánh nơi cần nguồn nhân lực trẻ, có trình độ. Mặc dù Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi đặc biệt nhưng cũng không thể đạt kết quả trong việc đưa nguồn nhân lực này về với miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Theo tôi, để có thể thu hút nguồn nhân lực trẻ, có trình độ về với địa phương thuộc miền núi, vùng sâu, vùng xa tốt nhất cần ràng buộc bằng hợp đồng xóa các khoản vay của sinh viên trong quá trình hỗ trợ học tập (đối với sinh viên nghèo phải vay tiền đi học). Sau khi tốt nghiệp sinh viên nào muốn xóa các khoản vay trên thì chấp nhận công tác tại địa phương miền núi trong thời hạn từ 3-5 năm và được hưởng nguyên lương cũng như chế độ ưu đãi hiện hành. Đối với những sinh viên đã tốt nghiệp nhưng không thuộc diện vay tiền để học thì thu hút bằng cách hỗ trợ một khoản tiền nhất định như 40-50 triệu đồng… Với cách làm như vậy sẽ có một đội ngũ sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ tự nguyện xin được công tác tại địa phương miền núi. Mặt khác, Nhà nước cũng sẽ không cần bỏ ra khoản ngân sách lớn để đào tạo, nâng cao năng lực công tác cho cán bộ, công chức đang công tác tại các địa phương miền núi như hiện nay.
Đỗ Văn Nhân
Ý kiến bạn đọc