Multimedia Đọc Báo in

Đừng để mất thêm tiền oan khi cúp nước

13:50, 25/05/2013

Nhiều tháng nay, chuyện thiếu nước sinh hoạt đang là vấn đề thời sự nóng bỏng của người dân trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Những tháng đầu năm 2013, lịch trình cúp nước là 1 ngày có, 1 ngày cúp, nhưng đến nay, việc cúp nước càng thêm căng thẳng hơn khi 2 ngày cúp và chỉ có nước trong khoảng 3 - 5 giờ (không xác định có vào lúc nào trong ngày). Để tận dụng nguồn nước ít ỏi mỗi khi được cấp trở lại, các gia đình phải huy động tối đa những vật dụng trong nhà như xô, chậu, thậm chí cả xoong, nồi… rồi đêm ngày chầu chực hứng nước. Việc cúp nước không có lịch trình cụ thể như vậy đang khiến cho cuộc sống của người dân gần như bị xáo trộn hoàn toàn. Chị Đào Thị Lan Anh ở tổ dân phố 2, Phường Tân Hòa chia sẻ: Nhà chị ở cuối con hẻm nhỏ, lại nằm trên khu vực dốc cao nên việc cúp nước liên tục trong nhiều tháng qua đã khiến gia đình chị gặp không ít khó khăn. Mỗi khi cấp nước trở lại thì chỉ những hộ ở dưới thấp mới có nhưng dòng chảy cũng khá yếu, vì thế, nhiều hộ đã sử dụng thêm bơm cộng lực hút nước lên các bể chứa lớn, tích trữ nước nhiều hơn để phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày. Còn những hộ ở phía trên cao như gia đình chị Lan Anh thì gần như vòi nước lúc nào cũng khô rang. Thường ngày, gia đình chị phải thay phiên nhau đi xin từng xô nước của các hộ dân nằm ở khu vực thấp hơn hoặc những hộ có giếng nước để đưa về đổ vào thùng 50 lít dùng dần. Việc giặt giũ, tắm rửa và nấu ăn hằng ngày cũng phải hạn chế và sử dụng nước hết sức tiết kiệm thì mới đủ. Nhiều hôm bận rộn công việc không có ai đi xin nước thì gia đình chị đành phải ra quán ăn cơm chứ ở nhà không có nước dùng.

Cúp nước nhiều ngày, trời lại nắng nóng nên nhu cầu sử dụng nước của người dân ngày càng tăng cao, trong khi để tích trữ nước sinh hoạt trong gia đình, nhất là gia đình đông người lại càng khó khăn hơn. Chưa kể, những hộ buôn bán hàng ăn - uống, rửa xe… thì việc kinh doanh cũng phải thu hẹp lại do thiếu nước. Chị Lê Thị Ngà, chủ hàng cơm bình dân trên đường Phan Bội Châu tiết lộ: để có nguồn nước đáp ứng nhu cầu kinh doanh của gia đình, vừa qua chị phải mua thêm bồn chứa nước cỡ lớn 5.000 lít để về tích trữ, tuy nhiên, cũng chỉ đáp ứng được phần nhỏ, do mỗi lần có nước thì lấy chưa kịp đầy bồn đã bị cúp trở lại.

Sử dụng nước  hợp lý,  tiết kiệm sẽ  mang lại  lợi ích thiết thực cho  mỗi  gia đình.
Sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho mỗi gia đình.

Bên cạnh những khốn khó nói trên thì việc cúp nước sinh hoạt cũng nảy sinh những hệ lụy cho người dân, đó là việc lãng phí nước và mất thêm chi phí sử dụng nước mỗi tháng. Điều này tưởng như nghịch lý nhưng lại đang diễn ra ở không ít hộ dân có thói quen bất cẩn và đến khi biết được nguyên nhân vì sao thì mới chịu khắc phục. Thường thì việc cấp nước trở lại của nhà máy nước diễn ra bất ngờ, có khi là ban ngày và có lúc lại vào ban đêm, vì thế, cách để nhận biết lúc nào có nước trở lại, người dân có thói quen mở sẵn vòi nước và đặt sẵn xô, chậu hứng. Tuy nhiên, do thiết kế nơi đặt vòi nước của hầu hết các gia đình thường ở những góc khuất, chính vì thế, đôi khi chủ nhà đi vắng hoặc ngủ quên, đến lúc bất chợt có nước nếu không khóa vòi nước kịp thời khi đã đầy xô chậu, nước sẽ chảy tràn lan ra ngoài gây lãng phí. Một mặt nữa là khi mở sẵn vòi nước lúc cúp cũng làm cho đồng hồ tính nước đôi lúc vẫn quay, nhảy số. Nguyên nhân là do không khí lưu thông kết hợp với lượng nước tồn đọng trong đường ống dẫn tạo nên áp suất, đẩy cánh quạt của đồng hồ tính nước quay theo và nghiễm nhiên người dân vẫn chịu thiệt thêm khoản chi phí oan này.

Để tránh lãng phí và tạo thuận lợi cho người dân trong việc sử dụng nước, thiết nghĩ Nhà máy  nước cần có lịch trình cấp nước cụ thể, rõ ràng; đồng thời người dân cũng cẩn trọng hơn, tìm các biện pháp như lắp van tự động để ngắt nước khi đầy bể, lắp chuông báo khi có nước v.v…

Thành Lê


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.