Multimedia Đọc Báo in

Làm sai lệch công tơ điện vì kém hiểu biết pháp luật

09:44, 20/11/2013

Qua theo dõi diễn biến sản lượng điện trong tháng 8 và tháng 9-2013 của một số khách hàng tại địa bàn buôn Pốk, buôn Ea Đun, buôn Dế thuộc xã Ea Kênh (huyện Krông Pak), Điện lực Krông Pak đã phát hiện có sự bất thường.

Nghi ngờ có người tác động vào công tơ để làm giảm sản lượng điện tiêu thụ, Điện lực Krông Pak đã trình báo sự việc với công an huyện Krông Pak. Qua một thời gian ngắn xác minh, vụ việc đã được sáng tỏ…

Trong câu chuyện “Trà dư tửu hậu”, Y Mai Ayun (SN 1974), trú tại buôn Pôk, xã Ea Kênh (huyện Krông Pak) đã nổi hứng khoe với ông Ama Minh, trú tại buôn Dế: “Mình biết làm cho cái công tơ điện nó quay chậm lại để hằng tháng trả ít tiền...”. Để chứng minh lời nói của mình là thật, Y Mai Ayun đã trèo lên trụ điện, dùng kìm phá niêm thùng công tơ, nắp che dây và dùng tuốc-nơ-vít tác động vào công tơ trước sự chứng kiến của Ama Minh. Chỉ sau vài động tác chỉnh sửa, chiếc công tơ điện của Ama Minh đã từ từ quay chậm lại rồi không còn quay nữa. Để “cảm tạ” tấm chân tình của bạn, Ama Minh đã thưởng cho Y Mai Ayun thêm vài ly rượu.

Cái tin Y Mai-Ayun “biết” làm cho cái công tơ điện quay chậm lại, thậm chí là không còn quay nữa, giúp tiền điện thanh toán chỉ còn một nửa, hoặc thích trả bao nhiêu cũng được đã lan ra các buôn trong xã. Bà Phan Thị Thanh, trú tại buôn Ea Đun trong một lần đi làm về thấy Y Mai đang chỉnh lại công tơ điện cho một hộ cạnh nhà đã “nhờ” luôn Y Mai chỉnh giúp công tơ nhà mình. Thế là, tiền điện của gia đình bà Thanh từ 70.000 - 80.000 đồng mỗi tháng trước kia giờ giảm xuống chỉ còn chưa đến 35.000 đồng trong khi gia đình vẫn sử dụng điện bình thường. 

Trên đây là 2 trong số 12 khách hàng mà Công an huyện Krông Pak xác định đã được Y Mai Ayun trực tiếp tác động vào công tơ làm cho sản lượng điện tiêu thụ hằng tháng chỉ bằng một nửa sản lượng thực tế tiêu thụ; một số hộ khác do Y Mai Ayun chỉnh “quá tay” nên thậm chí không phải trả tiền điện.

Được biết, Y Mai Ayun trước đây từng là công nhân của Hợp tác xã (HTX) Điện Thành Công, sau khi lưới điện của HTX được chuyển sang cho ngành Điện quản lý, Y Mai Ayun không còn làm cho HTX nữa. Với vốn kiến thức về điện trong thời kỳ làm ở HTX, Y Mai Ayun muốn chứng tỏ mình là người có hiểu biết nên thể hiện với bà con trong buôn mà không biết rằng, việc làm nói trên của Y Mai Ayun và sự “giúp sức” của một số hộ khác trong buôn là hành vi vi phạm pháp luật về điện lực. Qua kết quả xác minh cho thấy, trong số 12 hộ mà Y Mai Ayun đã chỉnh sửa công tơ chỉ có 3 hộ “bồi dưỡng” cho Y Mai Ayun từ 10 đến 15.000 đồng, số hộ còn lại thì Y Mai làm giúp mà không đòi hỏi tiền bạc, công cán gì. Sau khi vụ việc được phát hiện, Y Mai Ayun đã khai nhận toàn bộ hành vi của mình; 12 hộ được chỉnh sửa công tơ cũng đã tự nguyện khắc phục hậu quả. Hơn 16 triệu đồng mà 12 hộ đã bồi thường cho Công ty Điện lực Dak Lak và nộp phạt vi phạm hành chính là cái giá quá đắt cho hành vi vi phạm của mình. Như lời của Ama Minh nói: “Mình biết làm thế này là vi phạm pháp luật thì không nhờ Y Mai chỉnh công tơ điện đâu. Giờ tiền thì mất mà lại còn mang tiếng với bà con trong buôn, mình ân hận lắm,...”.

Nhận thấy, hành vi vi phạm của Y Mai Ayun và các hộ nói trên xuất phát từ sự kém hiểu biết pháp luật, hậu quả gây ra chưa lớn, các đối tượng khai báo trung thực, thành khẩn nên Công an huyện Krông Pak đã chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền để xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật. Qua vụ việc này cho thấy, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra sử dụng điện của đơn vị hoạt động điện lực thì việc tuyên truyền sử dụng điện đúng pháp luật cũng cần được các cấp quan tâm, chú trọng hơn.

Xuân Vinh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.