Multimedia Đọc Báo in

Cần xử lý dứt điểm tình trạng cơi nới, lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh buôn bán trên đường Ngô Quyền (TP.Buôn Ma Thuột)

21:46, 14/12/2013
Đường Ngô Quyền (TP.Buôn Ma Thuột), đoạn từ đường Trần Bình Trọng đến Kpă Púi đối diện khu vực chợ Tân An hiện có trên 10 hộ dân sinh sống.
 
Đây là khu vực dân cư có nhà ở ổn định đã lâu. Từ khi chợ Tân An đi vào hoạt động thì các hộ dân ở khu vực này cũng tận dụng địa thế mặt đường đối diện chợ để kinh doanh buôn bán các mặt hàng như: tạp hóa, ăn uống, giày dép, quần áo, vàng bạc, điện dân dụng, ống nước nhựa, hải sản tươi sống,...

Sau một thời gian kinh doanh, một số hộ ở khu vực này đã lợi dụng vỉa hè đường Ngô Quyền rộng rãi (khoảng 5m) để làm mái tôn lấn ra phía trên vỉa hè từ 3-4m. Dưới mái che, các hộ kinh doanh bày bán hàng hóa, kê bàn ghế để bán hàng ăn, bán cà phê... Lúc đầu chỉ có 2-3 hộ cơi nới, lấn chiếm vỉa hè, dần dần hộ nọ theo hộ kia tạo thành một dãy mái che đua hết ra vỉa hè, trong đó một số hộ không chỉ làm mái che còn quây kín hai bên bằng khung sắt, lát gạch men từ trong nhà ra gần đến mép đường Ngô Quyền (chỉ cách mép đường khoảng 1m), biến diện tích vỉa hè trước nhà thành nhà riêng để bày hàng hóa. Điển hình như: Shop quần áo giày dép Long Quyên, vựa cá biển Mười Phú, hiệu vàng Kim Phong Nhung... Việc cơi nới, lấn chiếm vỉa hè khiến tình hình trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông tại khu vực này vốn đã phức tạp càng trở lên phức tạp hơn.

Ông Nguyễn Trọng Vũ, Phó Chủ tịch UBND phường Tân An cho biết: Mới đây UBND phường đã mời 4 hộ lấn chiếm nhiều nhất lên phường để tuyên truyền giải thích và lập biên bản đề nghị tháo dỡ phần cơi nới, lấn chiếm. Sau khi nghe giải thích, cả 4 hộ đều đã ký biên bản; trong đó 2 hộ đã chấp hành tháo dỡ khung sắt cố định. Lãnh đạo UBND phường cho biết hiện nay phường chủ yếu vận động để các hộ tự tháo dỡ, nếu các hộ cố tình không chấp hành, UBND phường sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng của thành phố kiên quyết cưỡng chế theo quy định.

N.M


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.