Cần mở thêm nhiều điểm cấp thuốc điều trị ARV cho người nhiễm HIV tại các huyện
Nhiều bệnh nhân khi mới vào điều trị ở các phòng khám ngoại trú có thể trạng yếu, hầu như chỉ còn da bọc xương; có người mắc nhiều bệnh nhiễm trùng cơ hội (sốt, ỉa chảy, nấm…); nhưng sau một thời gian tuân thủ điều trị ARV thì tình trạng sức khỏe được cải thiện, bệnh nhân ăn uống tốt, lên cân và tinh thần vui vẻ trở lại. Một số bệnh nhân đến điều trị tại phòng OPC của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh cho biết việc điều trị ARV đã đem đến nhiều lợi ích, giúp người nhiễm HIV/AIDS không chỉ cải thiện tình trạng sức khỏe mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tuy nhiên, do đa số bệnh nhân HIV/AIDS đều có thu nhập thấp nên chi phí đi lại để đến phòng khám nhận thuốc điều trị ARV mỗi tháng rất khó khăn. Đã có nhiều bệnh nhân phải bỏ điều trị vì không thể trang trải được chi phí đi đến nhận thuốc miễn phí ở các phòng khám. Đây cũng là nỗi trăn trở lớn của nhiều bệnh nhân HIV/AIDS. Thực tế trên đòi hỏi cần triển khai thêm nhiều điểm cấp thuốc ARV ở các huyện. Để triển khai các điểm cấp thuốc ARV yêu cầu các cán bộ y tế cần phải được huấn luyện về phác đồ điều trị kháng vi-rút cho bệnh nhân và thực hiện việc bảo quản thuốc theo đúng quy định, ngoài ra còn cần phải có sự giám sát của tuyến trên.
Mặc dù có nhiều việc phải làm nếu mở thêm các điểm cấp thuốc ARV ở tuyến huyện song nếu làm được sẽ giúp bệnh nhân tiết kiệm được chi phí điều trị, tuân thủ tốt việc điều trị ARV và giảm tải cho các phòng khám ngoại trú hiện nay. Như thế việc điều trị ARV cho người nhiễm HIV/AIDS sẽ mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân và cộng đồng trên địa bàn tỉnh, góp phần đạt mục tiêu thanh toán HIV/AIDS vào năm 2030.
Đỗ Văn Phước
(Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Dak Lak)
Ý kiến bạn đọc