Multimedia Đọc Báo in

Nên để người dân giám sát tất cả các công trình xây dựng, cơ sở hạ tầng ở địa phương

09:48, 27/05/2015
Có thể nói rằng việc tham nhũng, tiêu cực, thất thoát, lãng phí trong xây dựng cơ bản ở nước ta là rất nghiêm trọng, khá phổ biến. Theo quy định của pháp luật thì các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng được đầu tư từ ngân sách Nhà nước, vốn ODA... đều phải có lực lượng tham gia giám sát việc thi công. Tuy nhiên, các sai phạm, tiêu cực trong xây dựng cơ bản vẫn không giảm mà có xu hướng ngày càng tăng lên nghiêm trọng, phức tạp và quy mô càng lớn hơn.

Nguyên nhân chủ yếu là do công tác giám sát công trình chưa được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định pháp luật. Thậm chí nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân được giao nhiệm vụ giám sát đã “bắt tay” với chủ đầu tư, đơn vị thi công bớt xén vật liệu, thi công cẩu thả, không đúng thiết kế, không bảo đảm quy trình, chất lượng... để trục lợi, tham nhũng. Điều này làm cho các công trình nhanh chóng xuống cấp, hư hỏng, thậm chí không sử dụng được.

Có thể khẳng định rằng không ai, cơ quan, đơn vị nào thực hiện công việc giám sát hiệu quả bằng sự giám sát của người dân và chính quyền sở tại nơi có công trình đang thi công mà nhiều người gọi là giám sát cộng đồng. Điều này đã được chứng minh trên thực tế, đó là các công trình cơ sở hạ tầng có sự tham gia giám sát của người dân đều rất hiệu quả, sự thất thoát, lãng phí, tiêu cực ở mức rất thấp, gần như không có. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành thì chỉ những công trình phục vụ dân sinh, liên quan trực tiếp đến người dân, công trình nhà nước và nhân dân cùng làm, công trình nhỏ như đường giao thông liên thôn, liên xã, công trình nước sạch phục vụ người dân địa phương thì mới có giám sát cộng đồng. Đối với các công trình lớn khác như cầu, cống, đường quốc lộ, tỉnh lộ, công trình do tư nhân đầu tư xây dựng hoặc người dân không hưởng lợi trực tiếp thì không giao trách nhiệm giám sát cho người dân hoặc chính quyền cơ sở nơi có công trình thi công. Chính vì điều này dẫn đến tình trạng khi xảy ra thất thoát, sai trái hoặc vi phạm pháp luật của chủ đầu tư, đơn vị thi công thì người dân, chính quyền địa phương không thể can thiệp, tham gia ý kiến hoặc tố giác vi phạm vì họ không có thẩm quyền! Trường hợp người dân tố giác cũng không ai tiếp nhận đơn thư, phản ánh hoặc thụ lý giải quyết thỏa đáng, nếu chính quyền địa phương kiến nghị thì rất ít khi các đơn vị liên quan tiếp thu vì cho rằng chính quyền cơ sở không đủ thẩm quyền, họ chỉ làm việc với cấp trên, cấp có thẩm quyền. Ngược lại, trong trường hợp có vướng mắc, tranh chấp phát sinh giữa người dân địa phương với các đơn vị thi công thì chính quyền rất khó có cơ sở thụ lý giải quyết, vì không thuộc thẩm quyền.

Vì vậy, các cơ quan chức năng nên quy định việc giao quyền giám sát các công trình, cơ sở hạ tầng cho người dân, chính quyền cơ sở nơi có các công trình, cơ sở hạ tầng đang thi công, không phân biệt công trình gì, ai đầu tư, chỉ trừ các công trình liên quan đến an ninh, quốc phòng, còn lại là đều được nhân dân giám sát. Điều này sẽ góp phần tích cực trong việc phòng chống tham nhũng, tiêu cực và bảo đảm, chất lượng công trình, cơ sở hạ tầng ở nước ta.

Vĩnh Linh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.