Multimedia Đọc Báo in

Cần tạo thói quen ứng xử có văn hóa nơi công cộng

09:03, 27/06/2015
Không xếp hàng theo quy định, chen lấn, xô đẩy dẫn đến xích mích… là những điều tôi thường thấy ở các địa điểm công cộng, nơi đông người. Thực tế trên đã được dư luận “mổ xẻ”, phê phán rất nhiều, tuy vậy để thay đổi thói quen, xử sự có văn hóa nơi công cộng đối với một số người sao vẫn... khó thay?

Mỗi dịp về quê, tôi thường chọn tàu hỏa làm phương tiện đi lại. Thật vui khi trong những chuyến đi ấy, tôi có thêm nhiều người bạn, biết nhiều điều hay trong cuộc sống qua các lần trò chuyện, trao đổi và lắng nghe. Bên cạnh đó vẫn có những chuyện đáng buồn, phổ biến là cảnh tượng hành khách nhốn nháo, chen lấn khi mua vé, mặc dù nhân viên nhà ga đã nhắc nhở mọi người phải xếp hàng chờ đợi. Và cảnh tượng xô đẩy, “mạnh ai nấy lo” lại tiếp tục tái diễn khi lên tàu, hành khách nháo nhác tìm toa, rồi chen nhau để được bước lên toa sớm nhất. Rất nhiều lần người trên tàu chưa kịp xuống thì người ở dưới đã nhào lên, đứng chen ngay ở cửa làm chắn cả lối đi… Không những vậy, có hôm vừa lên tàu, chúng tôi đã phải ở trong không gian ngột ngạt, khó thở bởi mùi thuốc lá. Tại các cặp ghế của các toa đều có biển “Cấm hút thuốc” bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh nhưng một số người vẫn vô tư châm thuốc và nhả khói. Bị nhân viên nhắc nhở, họ vẫn cố rít thêm vài hơi rồi mới vứt điếu thuốc qua cửa tàu…

Mới đây, tôi đi rút tiền tại cây ATM. Mọi người đang xếp hàng chờ đến lượt thì bất ngờ có một người phụ nữ ăn mặc sang trọng, dừng xe Attila rồi lên đứng chen ở cửa. Khi mọi người góp ý, chị không tiếp thu mà còn ngoảnh lại chau mày, tỏ rõ sự khó chịu, rồi lý giải rằng, đây là chỗ công cộng, ai vào nhanh, người ấy rút tiền trước, chẳng có cái biển nào ghi phải xếp hàng, vì vậy chỉ có kẻ điên mới đứng chờ tới lượt... Trước lý lẽ “cùn” kiểu ấy, mọi người chỉ biết lắc đầu im lặng.

Một lần khác đến bệnh viện, tôi nhìn thấy cảnh người nhà, bệnh nhân chen lấn, xô đẩy để được khám bệnh sớm. Các bác sĩ nhẹ nhàng chỉ dẫn mọi người về ngồi ghế, đợi đến lượt, nhưng vẫn có người chen lên, thậm chí còn cố gắng nói to, gây nên tình trạng ồn ào, khó chịu cho người xung quanh.

Không chỉ tại ga tàu, điểm rút tiền mà tại nơi đổ xăng, nơi mua hàng giảm giá… vẫn thường xảy ra cảnh tượng chen lấn. Người ta biện hộ hàng trăm lý do: đang gấp gáp công việc, ngại xếp hàng, muốn chiếm lợi thế hơn người khác… để lý giải cho hành động của mình. Trong khi đó, phần lớn đám đông chứng kiến thường có thái độ im lặng làm ngơ theo kiểu “tránh voi chẳng xấu mặt nào” nên vô tình tạo điều kiện cho thói quen xấu tiếp tục được dung dưỡng.

Có lẽ ngoài việc để những tấm biển “vui lòng xếp hàng chờ đến lượt” hay hướng dẫn xếp hàng đúng quy định thì mọi người nên nhắc nhở nhau từ bỏ thói quen chen ngang, xô đẩy nơi công cộng… Có vô vàn giải pháp cho việc này nhưng hơn hết mỗi người nên tự ý thức, trách nhiệm trước hành động của chính mình.

Song Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.