Multimedia Đọc Báo in

Cần đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông cho đồng bào dân tộc thiểu số ở cơ sở

14:22, 21/10/2015
Những năm gần đây, số vụ tai nạn giao thông (TNGT) do bà con người dân tộc thiểu số ở các vùng sâu, vùng xa gây ra tăng khá cao; các lỗi vi phạm phổ biến liên quan đến xe mô tô hai bánh như: không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, vượt ẩu, chở quá số người quy định, lạng lách, đánh võng, sử dụng rượu, bia khi lái xe, lái xe khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe…
 
Đối với phương tiện giao thông là máy kéo, xe cày, xe công nông, các lỗi vi phạm chủ yếu là chở hàng hóa, nông sản cồng kềnh… Nguy hiểm hơn, tình trạng vi phạm này không chỉ xảy ra ở các tuyến đường liên thôn, buôn, liên xã mà còn xảy ra khá phổ biến trên các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ (như Quốc lộ 14, Quốc lộ 26, Quốc lộ 27)…

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là sự thiếu hiểu biết về pháp luật an toàn giao thông (ATGT) và ý thức chấp hành luật lệ ATGT của bà con chưa cao. Đời sống còn nhiều khó khăn, việc tiếp cận với các thông tin pháp luật về ATGT gặp nhiều hạn chế, từ đó dẫn tới tình trạng bà con chủ quan, coi nhẹ các biện pháp phòng ngừa TNGT, coi nhẹ tính mạng của chính bản thân mình và của người khác. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATGT trong những năm qua trên địa bàn tỉnh vẫn chưa hiệu quả, chưa thực sự đi vào đời sống của người dân.

Khắc phục những hạn chế vừa nêu, thiết nghĩ, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATGT cần đổi mới cả về hình thức lẫn nội dung và theo phương châm “gần dân”, “hướng mạnh về cơ sở”. Đặc biệt, người làm công tác tuyên truyền cần phải xác định đồng bào dân tộc thiểu số là đối tượng tuyên truyền đặc biệt, để từ đó có những hình thức và biện pháp phổ biến phù hợp; không nên sử dụng các hình thức và biện pháp tuyên truyền cho các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, hay nhân dân ở những vùng có điều kiện phát triển kinh tế để áp dụng trong việc tuyên truyền cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Tài liệu tuyên truyền cần biên soạn ngắn gọn, súc tích theo ba tiêu chí “Dễ nhớ - Dễ hiểu - Dễ làm theo”, trong đó, tập trung vào những quy định cơ bản của Luật Giao thông đường bộ như: chấp hành nghiêm chỉnh việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông; các quy định về phần đường, tốc độ, tránh vượt xe sai quy định; sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông; không chở quá số người quy định; không chở hàng hóa cồng kềnh trên xe kéo, xe máy cày, xe công nông… Để việc tuyên truyền có hiệu quả, các tài liệu này cần được biên soạn trực quan, có hình ảnh minh họa sinh động, bắt mắt, nội dung dễ dàng thu hút người xem, người nghe và nên biên soạn theo hướng song ngữ (một bên là tiếng Việt, một bên là tiếng đồng bào dân tộc thiểu số) để bà con dễ dàng tiếp cận hơn. Cần tránh tình trạng biên soạn tài liệu tuyên truyền máy móc, giáo điều hay quá “hàn lâm”, không gần gũi và phù hợp với đồng bào dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng trong việc tuyên truyền các quy định của pháp luật về ATGT. Đội ngũ này sẽ động viên, tuyên truyền, tổ chức tốt cho bà con, con cháu trong dòng họ chấp hành nghiêm chỉnh những quy định của pháp luật về giao thông cũng như tuân thủ những quy tắc khi tham gia giao thông. Mặt khác, cần tiếp tục tăng cường và phát huy hiệu quả tuyên truyền của hệ thống loa truyền thanh cơ sở. Ở một số thôn buôn, hằng ngày các quy định của pháp luật về ATGT vẫn được phát đều đặn trên loa truyền thanh bằng tiếng dân tộc thiểu số. Việc làm này nếu được thực hiện thường xuyên, lâu dài, chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả và mô hình tuyên truyền này cần được nhân rộng tại các địa phương.

Bùi Thị Trang


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.