Multimedia Đọc Báo in

Cần xây dựng khu giết mổ gia súc tập trung tại huyện Ea H'leo

08:35, 13/04/2016
Chợ huyện Ea H’leo (chợ Km 82) có 23 hộ chuyên buôn bán thịt gia súc, chủ yếu là thịt heo, bò. Bình quân mỗi ngày chợ huyện Ea H’leo tiêu thụ từ 3-5 tấn thịt gia súc.
 
Điều đáng lo ngại là 100% số lượng thịt heo, bò bày bán hằng ngày tại đây đều không được kiểm dịch thú y.  Có khách hàng thắc mắc sao thịt không có dấu kiểm dịch thú y thì bà Lê Thị Vân (hộ bán thịt lâu năm tại chợ Km 82) trả lời:  “Không mua thì đi chỗ khác mà tìm, thịt ở đây làm gì có dấu với son mà bao nhiêu thịt bán cũng hết. Sản phẩm ở đây toàn là “cây nhà lá vườn”, chứ không phải từ nơi khác chuyển đến, không có thịt heo bệnh, nhiễm chất độc hại trong chăn nuôi đâu mà sợ”.

Điều đáng nói là phần đông người tiêu dùng rất ít khi để ý xem sản phẩm có được kiểm duyệt hay không, nguồn gốc xuất xứ là từ đâu. Nhiều người còn chủ quan cho rằng thịt bẩn, thịt không bảo đảm chất lượng chỉ có ở các thành phố lớn nên rất thờ ơ, dễ dàng trong việc bán - mua. Nói về sự buông lỏng trong công tác quản lý, kiểm tra kiểm soát thịt gia súc sau khi giết mổ và cho tiêu thụ tại chợ huyện Ea H’leo, ông Nguyễn Phước An, Trưởng Trạm Thú y huyện Ea H’leo phân trần: “Do huyện chưa xây được khu giết mổ gia súc tập trung, nhân lực của Trạm chỉ có 3 người trong khi hộ kinh doanh tự mở lò mổ trong khu dân cư nên chúng tôi rất khó kiểm tra, lăn dấu thú y hằng ngày, vì thế mà buông xuôi, thả lỏng từ nhiều năm nay”.

Kinh doanh thịt heo tại chợ huyện Ea H’leo.
Kinh doanh thịt heo tại chợ huyện Ea H’leo.

Do chưa  xây dựng được khu giết mổ gia súc tập trung nên những hộ chuyên cung cấp thịt heo, bò cho chợ Km 82 đều giết mổ và sơ chế thịt gia súc tại gia đình. Hầu hết các điểm giết mổ nhỏ lẻ và tự phát này đều không đáp ứng các yêu cầu theo quy định chung như: xẻ thịt heo dưới nền nhà bên cạnh chuồng nuôi nhốt gia súc, gần khu vệ sinh của gia đình. Không ít lò mổ gia súc tự phát ở các tổ dân phố trên địa bàn thị trấn Ea Đrăng gây mất vệ sinh và ô nhiễm môi trường cho cộng đồng dân cư vì sau khi mua heo, bò về nhốt chờ giết thịt, các chủ lò mổ không chú trọng làm chuồng trại, xây tường bao quanh mà để phân, chất thải gia súc tràn ra đường thôn ngõ xóm. Có hộ không đào hố chứa chất thải cẩn thận, để các loại phế phẩm sau khi giết mổ nhiều ngày mà không thu gom, xử lý kịp thời khiến bốc mùi hôi thối cả khu dân cư; điển hình như lò mổ heo tự phát của ông Sinh ở tổ dân phố 10, lò mổ bò của bà Hòa ở tổ dân phố 8 (thị trấn Ea Đrăng)…

Trước những bất cập nêu trên, đề nghị các ngành chức năng huyện Ea H’leo sớm quy hoạch,  đầu tư xây dựng khu giết mổ gia súc tập trung nhằm tạo thuận lợi cho việc kiểm tra, kiểm dịch thịt gia súc trước khi tiêu thụ;  ngăn chặn được tình trạng giết mổ lậu gia súc tràn lan trong khu dân cư gây mất vệ sinh và ô nhiễm môi trường lâu nay…

 Ngọc Tài


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.