Multimedia Đọc Báo in

Thực trạng xây dựng và quản lý cầu treo dân sinh ở Hòa Phong

11:44, 11/07/2016
Cầu xây mãi chưa xong, cầu xây xong lại xuống cấp nghiêm trọng là thực trạng đang diễn ra tại xã Hòa Phong (huyện Krông Bông).
 
Cây cầu treo dân sinh bắc qua sông Krông Bông nối thôn 1 với thôn Noh Prông (xã Hòa Phong) có chiều dài 120 m với tổng vốn đầu tư gần 6 tỷ đồng thuộc Dự án quy hoạch sắp xếp ổn định dân di cư ngoài kế hoạch, được khởi công từ năm 2011 và dự kiến hoàn thành vào năm 2013. Tuy nhiên, đã hơn 5 năm trôi qua, cây cầu này vẫn chưa được xây dựng xong do thiếu kinh phí. Ông Hoàng Văn Bằng, Trưởng thôn Noh Prông cho biết: “Cây cầu này được triển khai từ năm 2011 nhưng tiến độ thi công rất chậm. Công trình này đã thay đổi đến 3 đơn vị thi công mà vẫn chưa hoàn thành”. Dự án sắp xếp ổn định dân di cư tự do thôn Noh Prông do UBND huyện Krông Bông làm chủ đầu tư, vì vậy khi thấy cầu treo bắc qua sông Krông Bông dẫn vào thôn Noh Prông thi công trì trệ trong nhiều năm nay, UBND xã Hòa Phong đã nhiều lần phản ảnh với huyện nhưng được huyện thông báo là do thiếu kinh phí. Người dân hằng ngày vẫn phải đi lại trên cây cầu tạm bợ rất khó khăn, nguy hiểm, nhất là vào mùa mưa lũ nước sông Krông Bông dâng cao khiến thôn Noh Prông nhiều lần bị cô lập. 
Cầu treo dân sinh buôn Tliêr, xã Hòa Phong (huyện Krông Bông) đã xuống cấp.
Cầu treo dân sinh buôn Tliêr, xã Hòa Phong (huyện Krông Bông) đã xuống cấp.
Trong khi đó, cây cầu treo dân sinh tại buôn Tliêr được xây dựng kiên cố thì nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Cây cầu này được xây dựng từ năm 2007 với tổng chiều dài 98 m, bề rộng 2,2 m, đến nay đã có nhiều chi tiết bị hư hỏng nặng, các trụ bê tông hai bên đầu cầu đã bắt đầu nứt nẻ để lộ phần lõi hai dây cáp cầu, dây cáp một bên mố gầm cầu cũng đã bị đứt hẳn hoặc bị rỉ sét. Anh Y Biêr Êban (người dân buôn Tliêr) bày tỏ: “Cây cầu ngày càng xuống cấp khiến người dân lo sợ mất an toàn khi qua lại trên cầu. Đề nghị các cơ quan Nhà nước sớm có kế hoạch tu sửa để người dân yên tâm”. Được biết, từ năm 2007 đến nay, cây cầu nhiều lần hư hỏng nhưng do thiếu kinh phí, không được bảo trì, sửa chữa kịp thời nên càng ngày cầu càng hư hỏng nghiêm trọng hơn. Nhiều đợt UBND xã Hòa Phong đã huy động kinh phí từ người dân để sửa chữa cây cầu nhưng do kinh phí ít, chỉ sửa chữa được phần mặt sàn cầu, sau một thời gian thì cầu lại hư hỏng như ban đầu. Đây là cây cầu duy nhất để người dân 3 thôn, buôn trên địa bàn xã Hòa Phong đi lại nên lưu lượng xe máy cày, gia súc đi qua rất đông. Bên cạnh đó, tình trạng người dân chở hàng nông sản quá tải trọng cho phép là 2,2 tấn cũng khiến cho cây cầu này xuống cấp nhanh hơn. 
 
Người dân xã Hòa Phong (huyện Krông Bông) rất mong muốn các cấp chính quyền sớm hoàn thành việc xây dựng và sửa chữa các cầu treo dân sinh nói trên để việc đi lại, vận chuyển nông sản thuận tiện hơn.
 
H’Srông Cil

Bài, ảnh: H’Srông Cil


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.