Multimedia Đọc Báo in

Nỗi lo cầu hư hỏng, mất đất sản xuất vì sạt lở

08:55, 17/03/2017

Nhiều tháng trở lại đây, người dân trên địa bàn xã Ea Ô (huyện Ea Kar) không khỏi lo lắng trước tình trạng hư hỏng, xuống cấp của cây cầu số 1 nằm trên tuyến đường liên xã Ea Ô và xã Cư Elang.

Theo anh Tạ Hữu Quân (thôn 4, xã Ea Ô), sau khi xảy ra lũ lụt vào cuối tháng 12 năm 2016, mố cầu số 1 (thuộc địa phận thôn 4) bị lún xuống 20 cm so với ban đầu. Mặt bê tông ở mố cầu này bị nứt, lún, chân cầu bong, một phần nền đất bên dưới mặt cầu sạt lở. Từ ngày mố cầu hư hỏng, người dân chỉ lưu thông ở phần cầu bên phải (từ xã Ea Ô vào xã Cư Elang).

Ông Nông Văn Hợp, Trưởng thôn 7B (xã Ea Ô) lo lắng: “Do nằm trên trục đường liên xã nên cầu số 1 phục vụ chủ yếu cho nhu cầu đi lại của hầu hết người dân 2 xã Ea Ô và Cư Elang. Hằng ngày, lượng phương tiện lưu thông qua cầu rất đông, đặc biệt là vào mùa thu hoạch. Cầu hoàn thành và đưa vào sử dụng từ đầu năm 2016 khiến mọi người rất phấn khởi, có thể dễ dàng đi qua sông Krông Pắc mà không lo sợ nguy hiểm. Thế nhưng, chỉ chưa đầy một năm thì một bên mố cầu đã bị xuống cấp trầm trọng. Ngay sau đó, chính quyền địa phương đã tiến hành đặt biển cảnh báo nguy hiểm để người dân không lưu thông qua vị trí mố cầu bị sụt lún. Thế nhưng, mỗi khi đi qua đây, chúng tôi đều sợ hãi và rất mong các cơ quan chức năng nhanh chóng khắc phục để giữ lại cây cầu”.

Dẫn đến tình trạng hư hỏng mố cầu số 1 nói trên, người dân cho rằng bên cạnh thiên tai lũ lụt thì quá trình khai thác, hút cát trên sông Krông Pắc khu vực gần cầu khiến cho dòng chảy bị thay đổi, chân bồi xói mòn, sạt lở. Từ đó, khiến cho móng cầu yếu dần, dẫn đến tình trạng sụt lún mố cầu là điều không tránh khỏi.

Bề mặt cầu bị lún, nứt.
Bề mặt cầu bị lún, nứt.

Bên cạnh nỗi lo cầu hư hỏng, ông Hợp còn chia sẻ: “Thời gian qua, người dân trên địa bà xã Ea Ô nói chung và thôn 7B nói riêng chịu ảnh hưởng không ít từ tình trạng sạt lở sông do thiên tai và khai thác cát. Tại thôn 7B có 4 hộ đang mất dần đất sản xuất vì sạt lở. Đơn cử, hộ ông Hồ Văn Khang có hơn một sào đất nông nghiệp cách cầu số 1 khoảng 100 m. Tuy nhiên, do sạt lở liên tục nên năm 2016, toàn bộ 1 sào đất của ông Khang đã trôi theo dòng nước. Không chỉ vậy, sau mỗi đợt lũ lụt, một lượng lớn cát của các doanh nghiệp sau khi khai thác trôi dạt theo dòng nước và vùi lấp đất sản xuất của dân. Có nhiều gia đình phải bỏ ra từ 5-6 triệu đồng để thuê máy dọn cát ra khỏi ruộng. Thế nhưng, có nhiều hộ không có kinh phí nên đành bỏ hoang đất ruộng bị vùi lấp”.

Là một trong những hộ dân bị cát vùi lấp đất sản xuất, ông Nguyễn Đình Hưởng (thôn 7B) cho biết, đợt lũ lớn vào cuối năm 2016 đã khiến cho 2,2 sào đất lúa của gia đình giáp sông Krông Pắc bị bao phủ bởi một lớp cát, sỏi dày đặc. Vì kinh phí dọn cát, sỏi, cải tạo đất cao hơn tiền thu được từ trồng lúa nên gia đình đành bất lực, bỏ sản xuất trên diện tích đất này. Nếu như việc sạt lở, hút cát tiếp tục diễn ra như thời gian qua thì sẽ còn nhiều hộ dân trên địa bàn mất đất sản xuất.

Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Đắc Tuyên, cán bộ địa chính xã Ea Ô cho biết: “Cầu số 1 nằm trong dự án hồ Krông Pắc thượng, chủ đầu tư là Ban quản lý Thủy lợi 8 ( thuộc Bộ Nông nghiệp). Sau khi kiểm tra và xác định mố cầu hư hỏng là do tác động của lũ lụt, xã đã báo cho Ban quản lý Thủy lợi 8 xuống kiểm tra, sửa chữa. Việc người dân cho rằng, cầu hư hỏng một phần do khai thác cát là chưa chính xác. Do các doanh nghiệp không hút cát ở khu vực chân cầu nên không thể đánh giá được việc khai thác cát gây ảnh hưởng, làm hư hỏng cầu. Vấn đề sạt lở sông làm mất đất sản xuất, chúng tôi chưa nhận được đơn phản ánh của người dân”.

Sau khi vào kiểm tra thực tế, ông Nguyễn Đức Đông, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ea Kar cũng cho rằng, lũ lụt đã làm cho dòng chảy của sông Krông Pắc thay đổi, gây ra tình trạng sạt lở bờ sông và là nguyên nhân khiến cầu số 1 (xã Ea Ô) bị sụt lún, hư hỏng.

Hồng Nguyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.