Công trình cấp nước tiền tỷ xây rồi… bỏ hoang
Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung ở buôn Trưng, xã Cư Bông (huyện Ea Kar) được đầu tư xây dựng gần 10 tỷ đồng, với mục tiêu cung cấp nước sinh hoạt cho hơn 200 hộ dân ở buôn Trưng, thôn 21 và thôn 22 trong địa bàn xã.
Công trình được khởi công từ năm 2010, đến năm 2015 thì được đưa vào vận hành. Thế nhưng, chỉ sau 1 tháng chạy thử nghiệm, công trình đã ngừng vận hành từ đó đến nay.
Đến “tham quan” công trình, chúng tôi được tận mắt chứng kiến nhà điều hành, hệ thống đài nước, bể chứa nước… được xây dựng rất kiên cố, khang trang nhưng tất cả đều đang trong tình trạng “phơi nắng, phơi sương”. Do công trình không hoạt động nên nơi đây trở thành chỗ phơi đồ lý tưởng của người dân xung quanh.
Bà H’Duyên Mlô, người dân ở buôn Trưng bức xúc: “Khi công trình được khởi công xây dựng, người dân ai cũng phấn khởi, mong đợi đến ngày công trình khánh thành để được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh. Tuy nhiên không hiểu vì sao công trình xây xong rồi bỏ đó luôn. Thậm chí vòi nước cũng đã được lắp đặt đến tận nhà nhưng người dân trong buôn chưa được sử dụng một giọt nước nào từ công trình này. Hiện nay gia đình tôi vẫn phải sử dụng nước giếng để nấu ăn và sinh hoạt. Cứ đến mùa khô, nước giếng cạn, tôi lại phải xin nước hàng xóm hoặc lấy nước từ hồ buôn Trưng về sử dụng”.
Công trình cấp nước được đầu tư gần 10 tỷ nhưng lại không hoạt động. |
Ông Y Blum, người dân ở buôn Trưng cho biết, ông được UBND xã thuê trông coi công trình này với số tiền 500.000 đồng mỗi tháng. Tuy nhiên, 2 năm qua ông chỉ mới nhận được 2 triệu đồng. Ông hy vọng công trình sớm được sửa chữa và đưa vào hoạt động để cung cấp nước sạch cho bà con.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, có nguồn nước sạch để sử dụng hằng ngày là một niềm mơ ước đối với bà con ở đây. Và hầu như tất cả người dân đều không hiểu vì sao một công trình nước sạch được đầu tư xây dựng với số tiền lớn như vậy lại không thể hoạt động được(!?).
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Vỹ, Chủ tịch UBND xã cho biết, đây là công trình do Ban Quản lý Dự án huyện Ea Kar làm chủ đầu tư. Sau khi xây dựng xong, huyện đã giao cho HTX Nông nghiệp và dịch vụ Toàn Thắng quản lý. Tuy nhiên, khi bắt đầu đi vào vận hành thì công trình gặp vấn đề về kỹ thuật. Nguyên nhân chính là do thiếu nguồn nước cấp cho trạm để xử lý. Ngoài ra, do thiết kế đầu bơm nước nhỏ dễ bị cặn, bẩn bám trên bề mặt, trong khi công suất điện quá yếu, chủ yếu chỉ sử dụng điện 110V- 220V nên không đủ công suất để đẩy nước lên bể chứa. “Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần với chủ đầu tư, tuy nhiên vẫn chưa được giải quyết” – ông Vỹ nói.
Như Quỳnh
Ý kiến bạn đọc