Multimedia Đọc Báo in

Cần sớm khắc phục sự cố ô nhiễm xăng dầu trong nguồn nước sinh hoạt ở buôn Jù

09:22, 28/07/2017

Việc ô nhiễm xăng dầu, khoáng chất tại các giếng nước ở buôn Jù, xã Ea Tu ( TP. Buôn Ma Thuột) được phát hiện đã gần 1 năm qua nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây ô nhiễm, gây không ít lo lắng, bức xúc trong quần chúng nhân dân… 

Vào khoảng tháng 8-2016, khi bơm nước giếng lên phục vụ sinh hoạt trong gia đình, một số hộ dân ở buôn Jù phát hiện thấy có mùi hôi nồng nặc kèm theo váng xăng, dầu; khi châm lửa thì mặt nước bốc cháy. Sự việc nhanh chóng được thông tin đến chính quyền địa phương và đã được các cơ quan chức năng tiến hành xác minh. Ngày 9-9-2016, Sở Tài nguyên và Môi trường đã kết luận nguồn nước giếng của một số hộ dân ở buôn Jù bị ô nhiễm xăng, dầu, các chỉ số khoáng dầu đều vượt mức cho phép. Theo nhận định ban đầu, nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước là do 2 cửa hàng xăng dầu đang hoạt động gần khu vực này là Cửa hàng xăng dầu của Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Vũ (cách khu vực bị ô nhiễm 150 m theo hướng đông bắc) và Cửa hàng xăng dầu Đức Hòa (cách khu vực bị ô nhiễm 200 m theo hướng đông nam). Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, việc xác định rõ nguyên nhân ô nhiễm vẫn chưa được cơ quan chức năng làm rõ.

Ông Trần Văn Quế, một trong những hộ dân có nguồn nước ảnh hưởng nặng nhất ở buôn Jù mệt mỏi nói: “Hơn 1 năm qua các ngành chức năng tổ chức rất nhiều đoàn thanh, kiểm tra mẫu nước sinh hoạt của chúng tôi nhưng không có kết luận cuối cùng cũng như giải pháp khắc phục. Hiện nước không còn bốc cháy khi châm lửa như trước nhưng váng xăng dầu vẫn còn, mùi hôi nồng nặc, không thể sinh hoạt, cũng không thể sử dụng tưới tiêu”. Còn hộ ông Nguyễn Duy Ứng than phiền: “Nước giếng bị ô nhiễm không sử dụng được, gia đình tôi đành chuyển qua sử dụng nước máy. Do sử dụng sinh hoạt, tưới tiêu và chăn nuôi gia súc nên chi phí thanh toán tiền nước hằng tháng rất cao, không biết đến bao giờ tình trạng này mới được khắc phục triệt để?”.

 Lực lượng chức năng kiểm tra mức độ ô nhiễm nước  của một hộ dân  ở buôn Jù.
Lực lượng chức năng kiểm tra mức độ ô nhiễm nước của một hộ dân ở buôn Jù.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Vượng, Chủ tịch UBND xã Ea Tu cho hay, sau sự cố giếng nước bị nhiễm xăng dầu, 79 hộ dân bị ảnh hưởng đã đề xuất lắp đặt hệ thống nước máy. UBND xã đã đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho các hộ dân vay tiền lắp đặt hệ thống nước máy phục vụ sinh hoạt với kinh phí gần 600 triệu đồng. Tuy nhiên theo ông Vượng đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Bởi người dân không thể dùng nước máy để tưới tiêu cây trồng.

Mới đây, ngày 14-7-2017, UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị UBND TP. Buôn Ma Thuột chỉ đạo UBND xã Ea Tu tuyên truyền các hộ dân tiếp tục thực hiện việc bơm hút, súc rửa tại các giếng bị nhiễm xăng, dầu, bảo đảm mỗi lần bơm phải cạn kiệt nước; tiến hành niêm phong và có giám sát của cơ quan an ninh, nhằm xử lý hết lượng xăng dầu tồn lưu trong nguồn nước. UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Công thương chủ trì phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, UBND TP. Buôn Ma Thuột, Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy tỉnh làm việc với cửa hàng xăng dầu Hoàng Vũ và Đức Hòa, đề nghị các doanh nghiệp này tạm ngừng hoạt động kinh doanh trong thời gian 3 ngày để phối hợp với đoàn công tác đo lượng xăng dầu tồn trong các bồn chứa và niêm phong. Sau đó, đo lại lượng xăng dầu trong các bồn để kiểm tra mức độ hao hụt, đánh giá việc rò rỉ, xác định nguyên nhân gây ô nhiễm và đề xuất xử lý nếu có đầy đủ chứng cứ xác định hành vi vi phạm của doanh nghiệp để báo cáo UBND tỉnh trước ngày 20-7-2017. Thế nhưng, theo ghi nhận của phóng viên, đến ngày 20-7-2017, các cơ quan có liên quan vẫn chưa có động thái gì để xử lý vụ việc theo chỉ đạo của UBND tỉnh!

Nguồn nước sinh hoạt của các hộ dân ở buôn Jù bị ô nhiễm không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tâm lý mà còn gây bức xúc cho người dân. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng có liên quan cần nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh để giúp người dân yên tâm ổn định cuộc sống.

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.