Người dân Buôn Trấp bức xúc vì thông báo giải phóng mặt bằng mà không có đền bù
Những ngày gần đây, nhiều hộ dân có đất thuộc diện giải tỏa để xây dựng công trình đường Nguyễn Chí Thanh kéo dài, tổ dân phố (TDP) 7, thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana) vô cùng bức xúc vì thông báo của các cơ quan chức năng về việc giải phóng mặt bằng hai bên lề đường với diện tích lớn mà không có phương án đền bù.
Sự việc bắt đầu từ chủ trương giải phóng mặt bằng công trình đường Nguyễn Chí Thanh kéo dài của UBND huyện Krông Ana theo Công văn số 214/UBND-BQLDA. Ngày 5-4-2017, UBND thị trấn Buôn Trấp đã ra Thông báo số 26/TB-UBND gửi cho Ban tự quản TDP 7 và các hộ dân sinh sống hai bên tuyến đường để vận động nhân dân hiến đất, tự tháo dỡ công trình trên đất nhưng không nhận được sự đồng thuận vì làm ảnh hưởng đến đất và tài sản của người dân tương đối lớn. Theo Công văn số 469/UBND-BQLDAĐTXD, ngày 16-6-2017 của UBND huyện Krông Ana, giải tỏa giai đoạn 1: lòng lề đường rộng 10 m (từ tim đường ra mỗi bên 5 m) nhưng cắm mốc chỉ giới xây dựng từ tim đường ra 13 m; giai đoạn 2 (sau năm 2017): giải tỏa phần còn lại (mỗi bên 8 m). Ngày 22-6-2017, UBND thị trấn Buôn Trấp tiếp tục ra Thông báo số 36/TB-UBND cho Ban tự quản và các hộ dân ở TDP 7 về việc giải phóng mặt bằng, thời gian thực hiện chậm nhất đến ngày 25-6-2017, các hộ gia đình hiến đất, tự tháo dỡ công trình trên đất mà không có đền bù.
Nhà máy nước đá của gia đình anh Nguyễn Thành Tuấn sẽ bị phá dở nếu hiến 5-10m đất để làm đường. |
Ông Nguyễn Thành Tuấn, một người dân ở TDP 7 bức xúc: “Gia đình chúng tôi chỉ có chiều dài 20 m đất ở. Nếu hiến đất theo yêu cầu của chính quyền thì cả 2 giai đoạn sẽ mất hơn 10 m đất, như vậy đồng nghĩa với việc nhà cửa, cơ sở kinh doanh sẽ mất luôn. Hơn nữa điều kiện kinh tế gia đình tôi lại thuộc diện khó khăn, chính quyền giải tỏa đất làm đường mà không có phương án đền bù hay bồi thường về đất thì người dân biết làm thế nào?”. Tương tự, gia đình ông Nguyễn Trọng Phúc cũng có chiều dài đất ở là 26 m, nếu phải hiến đất theo thông báo của chính quyền ở cả 2 giai đoạn sẽ mất phân nửa chiều dài đất, ông Phúc cũng sẽ không đồng ý. Theo phản ánh của các hộ dân ở TDP 7, việc hiến đất làm đường khi có nguồn vốn đầu tư của Nhà nước là việc người dân nên thực hiện, tuy nhiên để hiến một diện tích đất lớn, đồng thời phá dỡ cả tài sản mà không có bồi thường trong khi điều kiện nhiều hộ dân còn khó khăn thì hết sức vô lý.
Ông Lê Khôi, Tổ trưởng TDP 7 cho biết, hiện có 35 hộ dân đang sinh sống và 3 hộ có đất nằm trên đường Nguyễn Chí Thanh kéo dài. Sau khi có thông báo hiến đất của UBND thị trấn, TDP 7 đã tiến hành họp dân nhưng chỉ có 2 hộ đồng ý hiến đất, còn lại 33 hộ không đồng ý và yêu cầu đền bù nếu giải tỏa, với lý do hầu hết các hộ dân 2 bên đường có điều kiện kinh tế khó khăn, chiều dài đất phần lớn chỉ khoảng 20 m, diện tích đất ở ít nên sau khi làm đường vào từ 7-10m nữa thì không bảo đảm diện tích làm nhà ở.
Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Ngọc Thiệm, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Buôn Trấp cho biết, theo công văn mới điều chỉnh của UBND huyện thì giai đoạn 1 mỗi hộ dân chỉ phải hiến từ 0,5-3 m đất vì lòng đường đã có sẵn 4,5 m; đối với giai đoạn 2 còn thời gian khá lâu, hơn nữa nếu người dân không đồng ý thì chính quyền cũng không thực hiện. Sau khi họp dân không nhận được sự đồng thuận, UBND thị trấn cũng đã báo cáo tình hình lên UBND huyện. Do nguồn ngân sách huyện hạn hẹp nên UBND huyện không có kinh phí để giải quyết đền bù. Hiện chính quyền địa phương chỉ có thể lập ban vận động để đến từng hộ dân thuyết phục hiến đất chứ không thể giải quyết bồi thường như kiến nghị của dân.
Trước những bức xúc của người dân, thiết nghĩ chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần có những phương án và tính toán hợp lý trong công tác xây dựng và đền bù để không làm ảnh hưởng đến đời sống sản xuất cũng như sinh hoạt của nhân dân.
Khả Lê
Ý kiến bạn đọc