Multimedia Đọc Báo in

Người dân bức xúc vì trang trại chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường

08:27, 25/08/2017

Báo Đắk Lắk nhận được đơn của một số người dân ở hẻm 64, Tỉnh lộ 5 (thuộc thôn 2, xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột) phản ánh về việc trại gà của ông Hoàng Nhật Minh (trú thôn 2, xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột) gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt của người dân.

Nội dung trong đơn phản ánh: Trang trại chăn nuôi gà của gia đình ông Minh được xây dựng cách đây đã vài năm với diện tích chuồng trại chừng 2.000 m2, nuôi khoảng 10.000 con gà và chỉ cách gia đình các hộ dân sinh sống tầm 30 m. Chính vì nuôi gà với số lượng lớn nên chất thải từ trại gà bốc mùi hôi thối nồng nặc, bụi lông gà theo gió bay khắp nơi… Ngoài ra, người dân cũng phản ánh một số gia đình ở đầu hẻm thường xuyên tập kết chất thải của heo, bò, gà từ nơi khác về phơi, ủ ngay nên gây ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của các hộ dân nơi đây.

Anh P.V.H (một người dân trong hẻm) bức xúc: “Chúng tôi phải chịu cảnh sống chung với ô nhiễm đã vài năm nay. Mùi hôi thối bốc lên cả ngày, đặc biệt là mỗi khi trời mưa xong thì mùi hôi không thể chịu nổi. Cũng chính vì ô nhiễm mà bản thân tôi bị bệnh viêm xoang, còn 2 đứa con thì bị viêm phế quản, khó thở về đêm, phải điều trị dài hạn”. Còn anh H.Đ.N thì cho biết, các gia đình ở đây thường xuyên phải đóng cửa kín mít để tránh mùi hôi; tốn thêm chi phí để mua quạt thông gió, máy điều hòa không khí về sử dụng… do không khí bị ô nhiễm.

Các hộ dân ở đây cho biết thêm, vì tình làng nghĩa xóm cũng chỉ muốn nhắc nhở, chứ không muốn báo lên chính quyền địa phương. Tuy nhiên, tình hình ô nhiễm không được cải thiện mà ngày càng trầm trọng hơn, nên đành lòng phải làm đơn kiến nghị lên chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng để tìm hướng giải quyết.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Hoài Nam, cán bộ phụ trách lĩnh vực Địa chính - Xây dựng - Môi trường của UBND xã Cư Êbur cho biết: Vào ngày 31-7, UBND xã cũng đã nhận được đơn kiến nghị của người dân phản ánh về việc ô nhiễm môi trường tại hẻm 64. Ngay khi nhận được đơn, ngày 1-8, UBND xã đã phối hợp với Phòng Tài nguyên - Môi trường TP. Buôn Ma Thuột xuống kiểm tra thực tế. Tuy nhiên, do chủ trại gà không có ở nhà nên chưa thể liên hệ để kiểm tra được.

Đến ngày 18-8, khi phóng viên liên hệ tìm hiểu tiến độ giải quyết vấn đề trên thì mọi việc vẫn chưa có tiến triển gì. “Chính quyền xã đã tiến hành kiểm tra 2 lần, gửi giấy mời tới chủ trang trại 1 lần nhưng ông Minh liên hệ qua điện thoại báo lại là đang đi công việc, không có mặt tại địa phương, hẹn khi nào về sẽ giải quyết. Đối với các gia đình ở đầu hẻm thường xuyên tập kết chất thải của heo, bò, gà từ nơi khác về phơi, ủ thì đoàn kiểm tra liên ngành của TP. Buôn Ma Thuột cũng đã có kế hoạch đi kiểm tra, nhưng chưa tới địa bàn thôn 2”- ông Nam cho biết thêm.

Như vậy, từ khi nhận được đơn kiến nghị của người dân đến nay đã gần 1 tháng, nhưng chỉ vì lý do chủ trang trại đi vắng mà sự việc vẫn giậm chân tại chỗ. Đề nghị các cơ quan chức năng của TP. Buôn Ma Thuột và xã Cư Êbur cần có biện pháp quyết liệt xử lý dứt điểm vụ việc để bảo đảm vấn đề vệ sinh môi trường cũng như sức khỏe, cuộc sống của người dân.

Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.