Multimedia Đọc Báo in

Người dân buôn Yơn mong có điện

09:04, 20/09/2017

Buôn Yơn (xã Bông Krang, huyện Lắk) có 142 hộ, với 570 nhân khẩu, 100% là người dân tộc thiểu số. Do đường điện chưa về tận nơi nên trong những năm qua người dân buôn Yơn phải tự kéo điện phục vụ sinh hoạt khiến chất lượng nguồn điện thấp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.

Đường điện do người dân buôn Yơn tự kéo tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Đường điện do người dân buôn Yơn tự kéo tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

Hiện nay, mới chỉ có hơn 50 hộ dân buôn Yơn ở gần trụ điện chính được mắc điện; 86 hộ dân còn lại, do ở cách xa trụ điện chính khoảng 3 km, phải tự kéo điện từ những hộ có điện về sử dụng. Hầu hết các trụ điện được người dân dựng bằng những cột gỗ tạm bợ hoặc tận dụng những cây xanh có sẵn ở lề đường, đường điện chồng chéo lên nhau, dây điện chùng xuống thấp hơn đầu người tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Do điều kiện khó khăn và cũng mong có điện sử dụng nên thực tế việc một hộ có điện là 3 - 4 hộ lân cận kéo điện về dùng chung. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến việc nguồn điện bị yếu, chất lượng sử dụng thấp. Như trường hợp gia đình ông Y Ghi H’long và 6 hộ khác cùng dùng chung 1 đường dây điện khiến điện rất yếu, chỉ đủ thắp sáng 1 - 2 bóng điện trong nhà. Còn gia đình ông Y Tôn Lưk ở cuối buôn nên khó kéo điện, vì thế mọi sinh hoạt trong gia đình chủ yếu diễn ra vào ban ngày.

Ông Y Gớt Sruk, phó buôn Yơn, tha thiết đề nghị: “Nhiều năm qua, bà con trong buôn luôn mong có điện để sinh hoạt, sản xuất. Những đường dây điện do dân tự kéo không chỉ thiếu an toàn mà còn không bảo đảm chất lượng nguồn điện. Rất mong các cấp ngành xem xét, sớm kéo điện về cho bà con sử dụng, thỏa nỗi ngóng chờ điện từ nhiều năm qua”.

Vy Thủy - Thu Huyền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.