Multimedia Đọc Báo in

Tái diễn tình trạng chèo kéo cựu chiến binh chụp ảnh với giá "cắt cổ"

09:01, 16/10/2017

Trước đây, báo chí đã từng phản ánh vụ việc một số đơn vị doanh nghiệp mượn danh nghĩa chụp ảnh miễn phí làm kỷ yếu cho tổ chức Hội Cựu chiến binh (CCB) rồi qua đó tìm cách chèo kéo hội viên cao tuổi chụp ảnh chân dung với giá hàng triệu đồng mỗi kiểu ảnh. Đến nay, tình trạng này lại tái diễn ở nhiều địa phương.

Trong tháng 8 và tháng 9-2017, nhiều hội viên Hội CCB các huyện Cư M’gar,  Ea Kar, Buôn Đôn, M’Đrắk... đã bị Công ty Minh Tân ở Hải Phòng lợi dụng danh nghĩa về chụp ảnh làm kỷ yếu miễn phí chèo kéo mời chụp ảnh chân dung với giá “cắt cổ” từ 500.000 đồng đến 5 triệu đồng một bức ảnh tùy theo khổ lớn nhỏ. 

Một Chi hội trưởng Chi hội CCB ở một địa phương cho biết, khi có thông báo của Hội CCB cấp trên về việc chụp ảnh làm kỷ yếu, chi hội đã mời hội viên về hội trường thôn để chụp ảnh. Ngoài chụp ảnh làm kỷ yếu, doanh nghiệp là Công ty Minh Tân đã mời hội viên chụp ảnh chân dung lớn làm kỷ niệm. Hầu hết hội viên đều đã cao tuổi, thiếu thông tin về giá cả thị trường, lại nhận được lời mời “lọt tai”, nên đồng ý chụp ảnh với mong muốn có ảnh “kỷ niệm đời lính”.

Các bức ảnh chân dung đều được chỉnh sửa photoshop, có ghép một số hình ảnh khác như ảnh lãnh tụ, ảnh tư liệu về cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc... Tuy nhiên, một tấm ảnh chân dung lớn bằng nhựa mica, xung quanh viền nhôm, đều có môtip giống nhau kiểu “sản xuất hàng loạt” có giá hàng triệu đồng là quá đắt; bởi trên thị trường, giá một tấm ảnh với chất liệu tương ứng chỉ khoảng 200.000 đồng. Đại diện Công ty ảnh Minh Tân phân bua: Việc chụp ảnh chân dung chỉ là chào mời, ai thích thì làm chứ không bắt ép. Công ty đã thực hiện việc này ở tất cả các chi hội CCB trên địa bàn tỉnh, chụp hàng nghìn bức ảnh chân dung lớn nhỏ.

Khi có thông tin là giá ảnh quá đắt so với thị trường, một số hội viên CCB ở thị trấn Ea Pốk (huyện Cư M’gar) đã “mặc cả” lại với công ty Minh Tân. Trước phản ứng gay gắt của các cụ, Công ty Minh Tân đã bỏ lại 10 bức ảnh chân dung có giá từ 2 - 5 triệu đồng/bức chụp các cụ trú  tại nơi này. Như trường hợp của cụ Trần H. (thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar) đã đồng ý cho Công ty Minh Tân chụp một ảnh chân dung với giá 3 triệu đồng. Biết ông mình bị dụ dỗ khi đã sử dụng toàn bộ tiền lương hưu một tháng để chụp tấm ảnh có giá cao gấp 10 lần so với giá chụp ảnh tại địa phương, con cháu trong gia đình đã không cho cụ nhận ảnh, đòi báo Công an, ngay lập tức, người của công ty này đã “bỏ của chạy lấy người”.

Liệu đây có phải là việc lừa chụp ảnh người cao tuổi, trong đó có nhiều hội viên CCB là lão thành cách mạng? Trách nhiệm của các chi hội CCB cơ sở ra sao khi để diễn ra tình trạng chụp ảnh cho hội viên với giá “chặt chém” như vậy? Đề nghị Hội CCB tỉnh cần kiểm tra và chấn chỉnh, không thể xem đây là hợp đồng dân sự “thuận mua vừa bán” giữa người chụp ảnh với doanh nghiệp, vì hầu hết hội viên đều đã ở độ tuổi “xưa nay hiếm”, vừa thiếu thông tin, vừa tin tưởng vào việc làm của cấp trên.

Xuân Hòa


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.