Multimedia Đọc Báo in

Vì sao 44 hộ dân khu tái định cư thôn Tân Phú không được cấp sổ đỏ?

09:23, 11/10/2017

Năm 2009, Công ty Thủy điện Buôn Kuốp triển khai dự án thủy điện Sêrêpốk 3 tại địa bàn xã Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn).

Theo đó, có 44 hộ dân ở thôn Ea M’Tha 2 nằm trong diện quy hoạch dự án được di dời đến khu tái định cư ở thôn Tân Phú, xã Ea Nuôl. Mỗi hộ được cấp 400 m2 đất thổ cư, trong đó có hỗ trợ xây dựng 1 nhà cấp 4 mái lợp tôn và cấp đất tái định canh bình quân 2 ha/hộ. Thế nhưng đã gần 8 năm kể từ khi chuyển đến nơi ở mới, các hộ dân vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở (gọi tắt là sổ đỏ), khiến họ gặp nhiều khó khăn.

Khu vực tái định cư này được đầu tư xây dựng cơ bản với 1 trường mẫu giáo, nhà văn hóa cộng đồng, công trình nước sinh hoạt tập trung và đường giao thông. Tuy nhiên, khu vực tái định canh (cách nơi ở 4 - 5 km) lại là vùng sỏi đá, tầng đất nông, thiếu nước, rất khó canh tác. Theo ông Nguyễn Hoàng Quyến, Trưởng thôn Tân Phú, khi nhận đất tái định canh, người dân phải đầu tư công sức, tiền của rất nhiều để khai hoang, cải tạo đất mới trồng cây được. Do thiếu vốn sản xuất, trong khi đất ở lại chưa được cấp sổ đỏ, không thể thế chấp vay ngân hàng nên nhiều gia đình phải vay nóng bên ngoài với lãi suất cao để mua cây giống, phân bón phục vụ sản xuất. Điển hình như gia đình anh Hứa Ngọc Quyết, vay 50 triệu đồng với lãi suất 5%/tháng; anh Nguyễn Văn Mỳ, vay 50 triệu đồng lãi suất 3,5% tháng… Người dân rất mong chính quyền địa phương quan tâm, sớm cấp sổ đỏ để họ thế chấp vay vốn ngân hàng đầu tư phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.

Trao đổi về vấn đề này, ông Dương Văn Xanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn xác nhận: Đến nay, huyện Buôn Đôn vẫn chưa hoàn tất thủ tục để cấp sổ đỏ đất thổ cư cho 44 hộ dân khu vực tái định cư của dự án Công trình thủy điện Sêrêpốk 3 ở thôn Tân Phú, xã Ea Nuôl. Nguyên nhân là do khi huyện Buôn Đôn bố trí đất để chủ đầu tư Dự án Công trình thủy điện Sêrêpốk 3 là Công ty Thủy điện Buôn Kuốp (thuộc Tổng Công ty Phát điện 3 - Tập đoàn Điện lực Việt Nam) làm khu tái định cư cấp cho 44 hộ dân này thì hiện trạng vẫn là đất sản xuất nông nghiệp, chưa được chuyển đổi sang đất thổ cư. Để thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất (từ đất nông nghiệp sang đất thổ cư) thì chủ đầu tư phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo Luật Đất đai cho huyện Buôn Đôn. Đến nay, Công ty Thủy điện Buôn Kuốp vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với huyện nên huyện chưa cấp sổ đỏ cho dân.

Ông Trần Văn Khánh, Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Buôn Kuốp cho biết, trước đây, Tổng Công ty Phát điện 3 đã kiến nghị UBND tỉnh Đắk Lắk không thu tiền thuế chuyển đổi mục đích quyền sử dụng đất đối với khu vực tái định cư của 44 hộ dân nói trên, song không được chấp thuận. Qua nhiều lần thương thảo, Tổng Công ty Phát điện 3 đã đồng ý phương án của UBND huyện Buôn Đôn về bồi thường, hỗ trợ tiền sử dụng đất đối với 44 hộ dân khu vực tái định cư này, tuy nhiên đến nay, vẫn chưa thống nhất số tiền cụ thể.

Mới đây, trong buổi làm việc với Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tại xã Ea Nuôl, ông Dương Văn Xanh cho biết, sau khi xác định lại giá đất, ngày 12-9-2017, UBND huyện Buôn Đôn đã có công văn đề nghị Công ty Thủy điện Buôn Kuốp đề xuất Tổng Công ty Phát điện 3 chi trả trên 709 triệu đồng phí và thuế chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất thổ cư ở khu tái định cư đối với 44 hộ dân thôn Tân Phú, xã Ea Nuôl. Nếu Tổng Công ty Phát điện 3 thống nhất và chuyển tiền về cho địa phương thì huyện sẽ làm thủ tục để cấp sổ đỏ đất ở cho người dân.

Trong khi đó, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Y Khút Niê lại cho rằng: Việc thu hồi khoản tiền nghĩa vụ tài chính khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất khu tái định cư nói trên là giữa UBND huyện Buôn Đôn với Tổng Công ty Phát điện 3, không thể vin vào đó mà “giam” việc cấp sổ đỏ cho người dân. Vì vậy, UBND huyện Buôn Đôn cần khẩn trương hoàn tất hồ sơ cấp sổ đỏ cho người dân khu tái định cư, bảo đảm quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho nhân dân, tránh tình trạng khiếu kiện phức tạp, kéo dài.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.