Multimedia Đọc Báo in

Cần sớm có phương án xử lý bãi rác ở chợ An Bình

09:07, 04/05/2018

Bãi rác chợ An Bình (thôn 5, xã Ea Hu, huyện Cư Kuin) là nơi tập trung rác của hầu hết các tiểu thương buôn bán ở chợ. Thời gian gần đây, mặc dù rác đã chất thành đống nhưng vẫn không được xử lý thu gom gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Chợ An Bình là nơi giao thương, buôn bán chính của bà con trên địa bàn xã Ea Hu và xã Cư Êwi (huyện Cư Kuin). Sau mỗi phiên chợ, lượng rác các tiểu thương thải ra rất lớn. Trước đây, khi chưa có xe thu gom rác thải, người dân tập trung rác ở trục đường liên xã - khu vực đầu chợ rồi thuê người dọn mang đi nơi khác xử lý. Những năm gần đây, để bảo đảm vệ sinh, các hộ tiểu thương đã dời bãi rác vào phía sau lưng chợ và đóng 25.000 đồng/hộ/tháng để thuê Công ty TNHH MTV Quản lý môi trường đô thị Cư Kuin đến thu gom. Tuy nhiên, nhiều tháng nay việc thu gom rác bị gián đoạn, lượng rác dồn ứ ngày càng nhiều.

Ông Nguyễn Văn Hoàng ở thôn 5 cách bãi rác chưa đến 50 m phàn nàn: “Nhiều tháng nay gia đình tôi mất ăn, mất ngủ vì ám ảnh bãi rác mất vệ sinh. Ban ngày, cả nhà phải đi “lánh nạn” nơi khác, còn mỗi khi ở nhà thì phải đóng tất cả các cửa, lỗ thông gió và dùng vải che chắn thêm để tránh mùi hôi thối. Quanh đây, nhiều người vì không chịu được ô nhiễm đã phải đóng cửa nhà đến nơi khác ở…”. Không riêng gia đình ông Hoàng mà nhiều hộ dân trong vùng cũng đang “sống dở chết dở” với mùi hôi thối nồng nặc vì bãi rác này. 

Bãi rác tập trung khu vực chợ An Bình, xã Ea Hu (huyện Cư Kuin) gây ô nhiễm môi trường.
Bãi rác tập trung khu vực chợ An Bình, xã Ea Hu (huyện Cư Kuin) gây ô nhiễm môi trường.

Bà Hà Thị Chuyên, một lao công ở chợ cho biết, bà được các tiểu thương trong chợ ủy quyền đứng ra thu tiền vệ sinh và hằng tháng đóng cho Công ty TNHH MTV Quản lý môi trường đô thị Cư Kuin 600.000 đồng để thu gom rác. Tuy nhiên, khoảng 3 tháng nay, Công ty không thu tiền vệ sinh và cũng không cho xe vào bãi lấy rác. Lý do Công ty đưa ra là đường hẹp, gồ ghề xe không thể đi, không thể quay đầu... Để giải quyết trở ngại đó, UBND xã Ea Hu đã đầu tư mở rộng con đường tránh với kinh phí 20 triệu đồng nối thông đường vào bãi rác. Thế nhưng không hiểu lý do vì sao xe chỉ vào lấy rác vài lần rồi thôi.

Trao đổi về vấn đề trên, ông Phạm Ngọc Huỳnh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý môi trường đô thị Cư Kuin thừa nhận đã ngừng thu gom rác ở khu vực chợ An Bình nhiều tháng nay. Ông Huỳnh lý giải, thời gian trước Công ty tiến hành thu gom và vận chuyển rác thải cho các hộ kinh doanh mua bán ở chợ khá ổn định. Tuy nhiên, gần đây, nơi để rác của các tiểu thương được dời vào phía trong, gây khó khăn trong việc thu gom và vận chuyển bởi đường đi nhỏ hẹp, gồ ghề, không có chỗ quay đầu xe, mùa mưa lầy lội xe không thể vào. Bên cạnh đó khu vực này còn có bãi thu gom phế liệu ngổn ngang, gây cản trở xe vào vận chuyển... Để giải quyết vấn đề ô nhiễm do bãi rác gây nên, Công ty cũng đã đề nghị UBND xã Ea Hu tạo điều kiện sắp xếp nơi để rác mới thuận tiện cho việc thu gom rác hơn, hoặc sửa chữa lại mặt đường và giải tỏa hành lang thông thoáng cho xe rác vào thu gom. Trong thời gian này, Công ty tạm ngưng thu gom rác và đề nghị UBND xã chỉ đạo ban quản lý chợ An Bình bố trí chỗ để rác tạm trong thời gian tìm phương án ổn định cho lâu dài.

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.