Multimedia Đọc Báo in

Người dân khốn khổ vì cống thoát nước Quốc lộ 27

08:47, 15/08/2018
Nhiều năm qua, hơn 15 hộ dân tại thôn 2, xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột) phải sống chung với ô nhiễm môi trường từ hệ thống thoát nước của Quốc lộ 27, làm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và sản xuất của người dân.
 
Hộ chịu ảnh hưởng lớn nhất phải nhắc đến gia đình bà Quách Thị Thanh. Trên diện tích đất của gia đình bà có khoảng hơn 50 m đường ống của hệ thống thoát nước mưa Quốc lộ 27, được lắp đặt nổi khoảng 1/3 trên mặt đất.
 
Theo phản ánh của bà Thanh, nhiều năm qua hố ga chuyển hướng dòng chảy đặt ngay trước cổng nhà bà không có nắp đậy, mỗi khi mưa lớn, áp lực dòng chảy mạnh, nước phun trào từ hố gas này làm ngập sân vườn và nhà ở của gia đình, mang theo rất nhiều rác thải. Khi trời nắng, mùi hôi thối từ đây xộc lên gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe khiến các thành viên trong gia đình bà thường xuyên đau ốm. Cách đây gần một tháng, gia đình bà đã phải tự bỏ tiền để làm tấm đan bít kín miệng hố gas này.
 
Bên cạnh đó, điểm nối giữa các ống cống cũng xuất hiện nhiều vết nứt nên bà phải thường xuyên dùng vữa xi măng trát lại để tránh nước bẩn phun lên. Chưa hết, ống cống cuối cùng của hệ thống thoát nước đã rơi xuống lòng mương từ lâu, đoạn ống liền kề chỉ cách móng nhà của bà Thanh chưa đầy 10 cm cũng đã bị xói lở phần đất bên dưới, có nguy cơ bung ra và rơi xuống bất cứ lúc nào khiến bà luôn thấp thỏm, bất an.
 
Áp lực nước lớn làm hai bên bờ mương bị xói lở trong mùa mưa.
Áp lực nước lớn làm hai bên bờ mương bị xói lở trong mùa mưa.
Theo quan sát, toàn bộ lượng nước của hệ thống này xả trực tiếp xuống mương thoát nước tự nhiên của khu vực thôn 2, có điểm đầu từ nhà bà Thanh dẫn ra cánh đồng lúa nước. Trước đây, mương thoát nước tự nhiên chỉ có bề rộng khoảng 1 m, nhưng do phải chịu áp lực nước lớn trong mùa mưa, hai bên bờ đã dần xói lở, “ăn” vào phần đất trồng hoa màu, bờ ao của các hộ canh tác dọc theo mương nước này. Không những mất đất, người dân còn phải bỏ hoang cả ao nuôi cá, ruộng lúa vì ô nhiễm.
 
Chẳng hạn như ông Bùi Văn Thương có 2 ao nuôi cá nằm dọc bờ mương với diện tích 1.300 m2. Khi hệ thống thoát nước hoàn thành, ông đã đắp bờ ao cao và rộng hơn để tránh nước mương tràn vào làm thất thoát cá. Thế nhưng chỉ khoảng nửa năm sau, đàn cá đang độ lớn của gia đình ông dần chết trắng.
 
Ông Thương nhận định, nước bẩn từ hệ thống thoát nước của Quốc lộ 27 đã ngấm qua bờ ao đất, gây nhiễm độc nguồn nước, khiến cá không sống được. Vậy là suốt hơn 7 năm qua, ông phải bỏ hoang 2 ao cá này. Nhà ở của ông cách con mương hơn 300 m cũng thường xuyên bị mùi hôi tấn công. Vào mùa mưa, nước chảy nhiều và liên tục nên mùi hôi có giảm bớt. Còn vào mùa khô, dòng nước đen ngòm kéo theo mùi hôi thối xộc thẳng vào mũi rất khó chịu.
 
Ông Trần Đăng Thắng, thôn Trưởng thôn 2 cho biết, dọc mương nước sau cống xả có khoảng 15 hộ chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi mùi hôi và ô nhiễm nguồn nước. Rất nhiều hộ canh tác lúa của các thôn 1, 2, 3 chịu ảnh hưởng nặng do nước bẩn và ngập úng kéo dài sau mỗi trận mưa làm lúa chết hoặc chậm phát triển. Chỉ riêng tại thôn 2, người dân đã bỏ hoang khoảng 7- 8 sào ruộng vì không thể canh tác được. Nhiều ao nuôi cá bỏ hoang lâu năm bị lấp đi, song cũng chỉ trồng được một ít cau, dừa hoặc rau lang làm thức ăn chăn nuôi chứ không thể trồng các loại cây khác. Bản thân ông và bà con trong thôn đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp chính quyền, nhưng vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. 
 
Người dân thôn 2 rất mong chờ sự vào cuộc của các cơ quan chức năng sớm khắc phục tình trạng xuống cấp của đoạn cuối đường ống, ngăn chặn xói lở, cũng như kiểm tra, xử lý tình trạng đấu nối nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất của một số hộ dân với hệ thống thoát nước mưa trên Quốc lộ 27 để cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường như hiện nay.
 
Bảo Bình
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.