Multimedia Đọc Báo in

Dak Lak - tôi đi !

16:49, 13/04/2010

Tôi lại đi trên những con đường của Dak Lak, vẫn cái ba lô xưa sao thấy nhẹ tênh. Có lẽ, niềm vui chiến thắng đang cuộn dâng trong lòng, nên cảm thấy mình được chắp cánh thần tiên và dưới chân có đôi hài vạn dặm.

Đường 21 nắng trưa lấp loáng. Mới đêm nào thôi, tối trời, vẫn phải mò trong bóng đêm mà đi mấy giờ liền mới tới chỗ nghỉ tạm gọi là an toàn; giao liên còn ra lệnh cho khách qua đường cấm nói chuyện, cấm bấm đèn, cấm mở đài, cấm ho... bám đội hình hàng một, đi thưa, vượt nhanh... Có sống qua những năm tháng như thế mới cảm hết nguồn vui sướng khi đặt chân lên đường này sau ngày giải phóng. Mấy anh bạn cùng đi mở đài hết cỡ, có lẽ chưa thỏa, lại kéo ăng ten cho hết độ cao, đứng giữa đường mà ngó ngược, ngó xuôi. Có người đặt vội ba lô lên vệ đường, hai tay để ra sau lưng, đếm bước chân tính chiều rộng của đường, đi bách bộ dọc đường dưới nắng chang chang tới hơn nửa cây số, mũ trật ra sau lưng mà không cần biết. Thật là sướng điên lên!...
Mùa xuân Ất Mão - 1975, căn cứ Krông Bông chuẩn bị ăn tết sớm hơn. Tết khá đàng hoàng, có bánh chưng, giò chả, có cả cà phê và thuốc lá Capstan, Rubi quân tiếp vụ. Cảm nhận được sự sôi động của sóng ngầm trong lòng đại dương qua sự hoạt động hối hả của các ban ngành như muốn chạy đua với thời gian. Trường học sinh nội trú nhập cuộc bằng việc nghỉ học để làm đường, gùi đạn. Tuy các em mới học cấp I nhưng đã ở tuổi mười tám, đôi mươi. Có những lần địch rải quân nằm lỳ ở đường 21 (nay là 26) không vượt qua được, quay về căn cứ lại giã lúa lấy gạo dự trữ cho chuyến đi mới. Mặt đỏ bừng, mồ hôi nhễ nhại, đầu trần, chân đất mà em nào cũng náo nức đòi ra phía trước - phía trước là tiền tuyến, là mặt trận; còn ở căn cứ gọi là phía sau - lòng tôi cứ rưng rưng cảm động. Gùi đạn nặng lưng, đầu chúi về phía trước, hai tay quặt về sau nâng đáy gùi hoặc để lên vai kéo dây gùi cho đỡ nặng chăng? Chứng kiến cảnh đó tôi viết bài Gùi đạn:
Như thế đó, em đi, em tới
Trao tận tay anh những viên đạn yêu thương
Bắn đi anh, bắn rền như sấm dội
Cho em góp phần giải phóng quê hương

Lễ kỷ niệm 35 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Dak Lak (1975-2010).   Ảnh: Ngọc Bích
Lễ kỷ niệm 35 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Dak Lak (1975-2010). Ảnh: Ngọc Bích

Trời xanh cao không một gợn mây, đường đất đỏ mịn màng, bông trắng từ những quả gòn già bay trắng xóa mặt đường, trắng xoá không trung như hằng hà sa số cánh bướm trắng dập dờn, tụ hội rồi lan tỏa, lan tỏa rồi tụ hội. Đi trên đường có cảm giác đi giữa đồng bằng vì không thấy đồi núi vây quanh, tầm nhìn hút mắt đến tận chân trời. Miên man đi suốt mấy giờ, tâm trạng lắng sâu suy nghĩ: thiên nhiên ưu đãi đất nước mình những miền đất như thế này để nông trường phải mọc lên, chính nơi đây! Người dân làm chủ đất nước, làm chủ quê hương chứ không phải nai lưng làm thuê trong đồn điền của ngoại bang đóng ngay trên mảnh đất của mình.
Qua Mê Wan gần tới Quảng Nghiêu, một con hào vây quanh rộng chừng bốn mét, bờ đắp cao hai mét. Đấy! “Hào chống chiến xa Việt cộng”. Thế mà chiến xa Việt cộng vẫn cứ qua đây, tiến vào giải phóng Buôn Ma Thuột và đi tuốt mãi vào sâu cho tới nơi nào còn bóng giặc. Và thú vị thay, con hào đó trở thành con mương dẫn nước, chiếm vị trí quan trọng trong hệ thống thủy nông của vùng này. Đến Quảng Nghiêu, tôi được một ông già dẫn lên cái đồi gần đó. Đồi Cư M’gar cao hàng trăm mét, đứng trên đồi nhìn bao quát cả một vùng rộng lớn. Trên đồi có tượng Quan Âm Bồ Tát và Đức mẹ Maria. Bọn địch xảo quyệt lại xây đồn trên đó. Nhà ông già chỉ cách chân đồi hơn trăm mét. Ông đã chứng kiến trận chiến đấu nơi đây. Ông hết lời ca ngợi quân giải phóng: “Bắn giỏi quá trời, chỉ mấy quả đạn đã phá hủy hết pháo của giặc, địch bị tiêu diệt, đồn giặc tan hoang mà tượng còn nguyên vẹn, không mảy may xây sát”. Tôi nhìn lên lá cờ đang phần phật tung bay trong gió lộng giữa màu đỏ của đất, màu xanh của trời. Quảng Nghiêu mít tinh mừng chính quyền ra mắt, sân trường Sao Mai rộng là thế mà người đứng phải chen chân. Hơn bốn trăm thanh niên tình nguyện lên đường, đang tập trung vào trụ sở Ủy ban Quân quản (trước là trụ sở Hội đồng xã). Có thể đọc được cái náo nức trong ánh mắt của những thanh niên vùng mới giải phóng lại được Cách mạng tin yêu trao nhiệm vụ. Cô gái Quảng Nghiêu tiễn người ra đi lưu luyến mà không bịn rịn, nắm tay nhau mà chẳng dùng dằng. Mấy em nhỏ kiễng chân cao, muốn có tầm vóc bằng các anh…
Con thuyền lướt rất êm, dòng nước đen xám, lấp loáng chảy ngược. Sông nào đây?
Không! Đó là một đoạn đường 14 mà xe tôi đang băng qua, đoạn đường đẹp óng ả quá nên tôi có cảm giác trên. Roi vọt, ngục tù bao nhiêu chiến sĩ Cách mạng đã hứng chịu, bao nhiêu người đã ngã xuống để đổi lấy đoạn đường:
Ban Mê ngục sắt những ngày
Nhớ con đường máu đi đày năm nao
(Tố Hữu)

Ba thế hệ trong ngày kỷ niệm 35 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Dak Lak.   Ảnh: Ngọc Bích
Ba thế hệ trong ngày kỷ niệm 35 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Dak Lak. Ảnh: Ngọc Bích

Hai bên đường, cà phê bạt ngàn, có chỗ đang đậu quả, có chỗ hoa lại trắng cành. Một mùi hương say ngan ngát. Có lẽ là hương say từ lá cây, hoa trái, say từ đất trời giải phóng. Say từ lòng người nắm trong tay chính nghĩa và sức mạnh - cả dân tộc tròn mùa hành phúc!
Ngồi viết dưới ánh đèn nê ông, chữ cứ ngời lên, nhảy múa trên trang giấy. Ánh sáng cứ lung linh, chao động. Xin cảm ơn những bếp lửa hồng đã tạo ra dòng sáng hôm nay! Những bếp lửa hồng cho em nghiêng trang sách, chụm mái đầu vào học; cho anh viết lá thư tâm tình gửi về hậu phương; cho chị hát bài Xuân chiến khu trong đêm liên hoan; cho cô bác ngồi vót chông và họp bàn việc mở đường, phát rẫy! Cho đồng chí thảo công văn, chỉ thị gửi các nơi ngăn địch, phá kềm... Cái dòng nước trong mát từ máy chảy ra kia mà anh đang rửa dấu bụi trường chinh, phải chăng nhận từ đỉnh Yang Sin cao trên 2000 mét so với mặt nước biển? Phải chăng bắt nguồn từ dòng suối mà ngày nào anh vượt qua truy lùng bọn biệt kích, đêm nào anh gài súng, bẫy con heo rừng vào phá rẫy mì và những trưa oi ả, anh lại hớp ngụm nước trong, dầm mình xuống nước cho mát mẻ, tìm nắm rau tầu bay, rau dớn, môn thục ở ven bờ để cải thiện bữa ăn. Một hậu cứ kiêu hùng đã làm nguồn phát sáng cho ánh điện, làm nguồn cung cấp nước máy trong mát muôn đời. Không khỏi xúc động, căm thù khi bọn cướp nước, bán nước dội bom xuống buôn Ea K’Mát làm chết hơn 200 đồng bào và tàn phá khu chợ trung tâm thị xã. Nhưng chợ vẫn đông vui, gạch, đá, vữa, vôi đã được xếp lại. Từng tốp thanh niên nam nữ quét dọn, đổ đi những tàn tích cũ cho đẹp lề, thẳng lối. Hàng quán san sát. Cảm giác dễ ngỡ ngàng trước cảnh thanh bình, ai có thể tưởng rằng chiến sự nơi đây mới chấm dứt mươi hôm.
Tôi được đến dự lễ khai giảng của trường Tổng hợp để bước vào chương trình chuyển tiếp của Cách mạng. Hơn 2000 học sinh xếp hình chữ U hướng về lễ đài. Lá thư của Bác Hồ gửi học sinh ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - tháng 9 năm 1945 lại vang lên nơi đây. Mọi người cảm động, ngước nhìn lên lễ đài. Đôi mắt Bác hiền từ âu yếm: “Ngày nay chúng ta cần xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên để lại cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong, chờ đợi ở các cháu rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu hay không chính là nhờ một phần lớn ở công lao học tập của các cháu”.
Xúc động, bồi hồi, nhớ lại tuổi ấu thơ mấy mươi năm xưa cắp sách tới trường vẫn có Bác chăm nom. Lứa tuổi của chúng tôi đã đi theo con đường của Bác chỉ. Dak Lak - tôi đi trong những ngày tháng trọng đại này cũng là con đường đó.

Dak Lak, những ngày rực lửa chiến công Mùa xuân 1975

Hữu Chỉnh


Ý kiến bạn đọc