Multimedia Đọc Báo in

Lai lịch thành Đại La

14:39, 23/04/2010

Kể từ khi Lý Công Uẩn, vị vua khai sáng triều Lý viết Chiếu Dời đô từ Hoa Lư về Đại La đến nay đã gần tròn 1.000 năm. Trong Chiếu Dời đô, Lý Thái Tổ viết: “Đại La thành trạch thiên địa khu vực chí trung, đắc long bàn hổ cứ chi thế, chánh Nam, Bắc, Đông, Tây chi vị tiện giang sơn hướng bội chi nghi”. (Thành Đại La ở vào chỗ trung tâm trời đất, có thế rồng chầu hổ phục, đứng vị trí ở 4 phương Nam, Bắc, Đông, Tây, tiện hình thế núi sông, sau trước nên đã chọn làm chốn kinh sư cho muôn đời).

Thành Đại La do Cao Biền, một viên quan đô hộ đắp và theo sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn thì “Lâu năm đổ lở không rõ chỗ nào”. Ngược dòng lịch sử từ giữa thế kỷ V, nơi đây đã hình thành thị trấn huyện lỵ Tống Bình do đế chế phương Bắc thời Lưu Tống đặt ra. Năm 545, sau khi đánh đuổi quân đô hộ nhà Lương, Lý Bí xưng đế lập nước Vạn Xuân, khẳng định quyền tự chủ của dân tộc, ông cho xây một tòa thành bằng tre, gỗ ở cửa sông Tô. Lý Nam Đế là người đầu tiên nhìn ra vị trí đắc địa của vùng đất này. Năm 621, đại tổng quản Giao Châu của nhà Đường là Khâu Hòa cho đắp một vòng thành đất bảo vệ Tống Bình gọi là Tử Thành. Tống Bình trở thành thủ phủ của An Nam đô hộ phủ, quản 12 châu vào năm 679, nên năm 769 Trương Bá Nghi, kinh lược sứ nhà Đường cho đắp vòng thành mới bao quanh cao hơn 2 trượng (khoảng 7m) có 3 cửa thông nhau gọi là La Thành. Năm 866, Cao Biền cho xây dựng lại thành to cao hơn gọi là Đại La. Thành Đại La được đắp 2 vòng tường đất, vòng ngoài là một con đê cao chừng 5m, với chu vi khoảng 7 km. Vòng trong là một thành lũy kiên cố cao 8,5m với chu vi khoảng 6km, trên mặt thành đặt 55 vọng gác, mở 5 cửa lầu, 6 cửa ống, cả tòa thành được hào nước sâu bao bọc. Đây chính là La Thành và Đại La do bọn đô hộ phương Bắc xây dựng lên để bảo vệ và khẳng định quyền thống trị của mình. La Thành và Đại La thành chỉ là từ để chỉ một vòng thành lũy được xây dựng lên để bảo vệ một đô thành bên trong. Nhưng do thói quen mà người ta thường gọi La Thành hay Đại La thành để chỉ cả kinh thành xưa là Đại La. Từ khi dời đô từ Hoa Lư về Đại La, trải qua bao triều đại, bao biến đổi của thời gian nhưng La Thành vẫn được các triều đại mở rộng và bồi đắp, điều này chứng tỏ tầm quan trọng của La Thành đối với vấn đề bảo vệ kinh thành.
Hiện nay La Thành và kinh thành Thăng Long đã bị phá hủy và chỉ còn sót lại một số di tích. Các đường phố La Thành (đường đê La Thành) và phố Đại La hiện nay đều trùng với đoạn tường lũy cũ của thành Đại La. Hy vọng rằng những di tích hiếm hoi còn sót lại của thành Đại La sẽ được tôn tạo và giữ gìn.

L.S (st)

 


Ý kiến bạn đọc