Multimedia Đọc Báo in

Âm vang trên núi Nghĩa Lĩnh

15:24, 22/05/2010

Trên khắp các nẻo đường dẫn về Khu di tích lịch sử Đền Hùng (thuộc xã Hy Cương- TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) trong những ngày tháng tư đều tràn ngập sắc màu của cờ phướn, băng rôn, khẩu hiệu chào mừng Ngày giổ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Canh Dần - 2010.

Nhất là trên tuyến Quốc lộ 2 nối Thủ đô Hà Nội với các tỉnh Vĩnh Phúc - Phú Thọ - Tuyên Quang… ngày đêm xe chở du khách từ các tỉnh, thành trong cả nước về đất Tổ dâng hương. Trong tâm tưởng của mỗi người, ai cũng muốn được thắp một nén nhang để tri ân công đức của tiền nhân và tự hào mình là con cháu của giòng giống Lạc Hồng hiển hách mấy nghìn năm…
Đúng 8 giờ sáng ngày 10-3 âm lịch, tại Đền Thượng nằm trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, Lễ dâng hương được cử hành trang trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết dâng nén hương đầu tiên lên các Vua Hùng trong niềm thành kính và xúc động. Trong tiếng trống, tiếng chiêng hòa nhịp rộn rã khắp cả vùng núi non linh hiển, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Lê Tiến Thọ thay mặt Ban tổ chức cẩn cáo trước đông đảo đồng bào về dự lễ công đức của các Vua Hùng cùng các bậc tiền nhân trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Bài cáo là “Bản tổng kết” lịch sử hùng hồn bốn nghìn năm của cha ông ta với đầy đủ thăng trầm dâu bể, lẫn sắc thái tình cảm và ý chí của con dân Bách Việt qua mỗi chặng đường gìn  giữ, bảo vệ chủ quyền đất nước.

Du khách thập phương nô nức về dự Lễ hội Đền Hùng.
Du khách thập phương nô nức về dự Lễ hội Đền Hùng.

Mỗi câu, mỗi đoạn của bài cáo được NSND Lê Tiến Thọ xướng lên trên nền nhạc tế lễ trang nghiêm khiến mọi người như được sống lại và đắm chìm trong ký ức xưa: “Trăm ngọn núi chầu về đất Tổ/ Mẹ trăm con xây dựng một cơ đồ ”, “ Đất nước mở  mang từ đây/ Trải mười tám đời Vua Hùng chói ngời một cõi…”. Trên núi Nghĩa Lĩnh vào khoảnh khắc này, dường như bao trùm không khí thiêng liêng rất khó nói được thành lời. Cả rừng người đứng im bất động, chỉ có tiếng gió nhè nhẹ thổi về. Không ai nói với ai một lời nào, nhưng trong sâu thẳm của tâm hồn mọi người, tất cả đều biết rằng, mình đang được trở về với cội nguồn dân tộc, về với sự khởi đầu của bốn nghìn năm văn hiến. Cứ thế, cảm xúc ấy miên man, dâng trào chảy theo dòng lịch sử mỗi khi bài cáo tiếp tục được xướng lên: “Nước Văn Lang một góc trời thịnh trị/ trăm họ yên dân với cuộc sống thanh bình”, “Thế rồi, khi vận nước đang lên/ giặc ngọai xâm rắp tâm bày gian kế, đặt mưu hèn/ khiến Mỵ Châu cùng cha tuẫn tiết/ An Dương Vương thất thế để Âu Lạc tan tành/ Thành Cổ Loa ghi một mối hờn sừng sững”. Tiếng trống, tiếng chiêng lúc này bổng dưng chùng xuống và trong đáy mắt của bao người như đọng lại một giọt lệ buồn đau. Thời kỳ Bắc thuộc kéo dài gần 1000 năm bắt đầu… và trong thời gian nước ta bị đô hộ ấy, đã có biết bao anh hùng, liệt nữ đứng lên cùng muôn dân giành lại chủ quyền, độc lập cho dân tộc. “Ba tấc kiếm của Trưng Vương hào nữ/ một tấc lòng vì nợ nước đứng lên”, “rồi Lý Bí, Lý Bôn đến Ngô Vương dựng lại sơn hà xã tắc/ muôn đời con cháu lưu danh…”. Tiếng trống, tiếng chiêng lại âm vang trên núi Nghĩa Lĩnh, tựa như tiếng vó ngựa, đao kiếm tung hoành cùng tiếng reo hò thắng trận, khép lại gần một nghìn năm đô hộ ngoại bang.

Trên các ngả đường dẫn về Khu di tích lịch sử Đền Hùng, người dân chờ đón để dâng hương vua Hùng.
Trên các ngả đường dẫn về Khu di tích lịch sử Đền Hùng, người dân chờ đón để dâng hương vua Hùng.

Bài cáo được xướng lên trước Điện Kính Thiên, nơi thờ các Vua Hùng trên Đền Thượng cứ dẫn dắt con cháu hôm nay về những giai đọan lịch sử tiếp theo của cha ông từ các triều đại Đinh – Lê – Lý – Trần - (hậu Lê)... cho đến thời đại Hồ Chí Minh oanh liệt. Một thời đại - một chiến công hiển hách, được lịch sử muôn đời ghi tạc. Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn mười hai sứ quân, thống nhất giang sơn, định đô ở Hoa Lư và đặt giềng mối cơ bản cho chế độ phong kiến Trung ương tập quyền. Lê Hoàn Thập đạo Tướng quân đánh tan quân Tống, bảo vệ nền độc lập, chủ quyền dân tộc. Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế, dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, xây dựng một nước Đại Việt hùng cường. Nhà Trần với chiến công vang dội hai lần đại phá quân Nguyên, tiếp tục mở mang bờ cõi và xây dựng đất nước văn hiến, phồn vinh. Đến thời đại Hồ Chí Minh với hạt nhân là Đảng CSVN đã lãnh đạo toàn dân giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội đánh đổ chế độ thực dân phong kiến, đế quốc Mỹ xâm lược thống nhất đất nước, mở ra trang sử chói lọi nhất trong lịch sử dân tộc: xây dựng chủ nghĩa xã hội, từng bước hội nhập với thế giới để mưu cầu cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Cả rừng người lặng im khi nghe Chúc thư của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết dâng lên vua Hùng.
Cả rừng người lặng im khi nghe Chúc thư của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết dâng lên vua Hùng.

Suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước bốn nghìn năm của một dân tộc anh hùng, quật khởi như hiện về sinh động trong lòng người dâng hương trước Đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh khiến bất kỳ ai là con cháu Lạc Hồng đều tự hào và càng có nghĩa tình, trách nhiệm sâu nặng hơn với cha ông, đât nước như lời của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã khẳng định trong chúc văn dâng lên các Vua Hùng trong ngày giỗ Tổ : Đây là ngày quốc lễ của dân tộc, qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, biết ơn sâu sắc các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước ; thể hiện được tâm tư, tình cảm của toàn dân hướng về cội nguồn dân tộc, cổ vũ tinh thần yêu nước, thương nòi… nhằm xây dựng ngày càng vững chắc thêm khối đại đoàn kết dân tộc, vốn là sức mạnh vô địch đưa sự nghiệp cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này, đến thắng lợi khác.

Ghi chép của Đình Đối

 


Ý kiến bạn đọc