Multimedia Đọc Báo in

Gặp gỡ những cựu tù yêu nước huyện Krông Pak

15:25, 22/05/2010

Chiến tranh đã lùi xa, song ký ức về những năm tháng hào hùng ấy vẫn chưa phai nhòa trong những ai từng trải qua. Có đồng đội đã “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, và cũng có người vượt qua bom đạn, tù đày của kẻ thù để giờ đây lại tiếp tục góp phần công sức cho sự nghiệp xây dựng quê hương đất nước giàu đẹp.

Sau chiến tranh, những chiến sĩ bị địch bắt tù đày năm xưa, giờ trở lại đời thường với bao lo toan của cuộc sống hằng ngày: người cắt tóc, người sản xuất nông nghiệp, lại có người không còn khả năng lao động phải sống nhờ con cháu… Nhưng dù ở hoàn cảnh nào, những cựu tù yêu nước đang sống tại huyện Krông Pak cũng luôn giữ vững khí phách của người chiến sĩ cách mạng.
Ôn lại những tháng năm bị tù đày nhưng cũng rất đỗi kiên cường trong nhà tù Mỹ - ngụy, các cựu tù không ngăn được những giọt nước mắt lăn dài trên đôi gò má nhăn nheo. Bước sang tuổi 69, nhưng ông Bùi Xuân Ngọc (tù côn đảo 1967- 1973) thôn 3, xã Tân Tiến vẫn còn nhớ như in: “Chúng tra tấn bằng nhiều hình thức, từ dùi cui, ghế điện, đến kẹp đầu ngón tay…, nhưng ngán nhất là dùng roi gân bò đánh vào chỗ kín của tù nhân, sau đó rắc vôi bột cho thấm vào, buốt đến tận óc, mấy ngày sau thì chỗ đánh đó mưng mủ, lở loét đau không chịu nổi!”. Dù đau đớn đến mấy, ông Ngọc và đồng đội vẫn không hé răng khai báo điều gì.

Ông Bùi Xuân Ngọc đang kể về những ngày tháng bị Mỹ - ngụy hành hạ trong tù.
Ông Bùi Xuân Ngọc đang kể về những ngày tháng bị Mỹ - ngụy hành hạ trong tù.

Ông Y Ruơ Bkrông (bị giam tại nhà tù Buôn Ma Thuột và Côn Đảo từ 1968- 1975) nay đã 84 tuổi ở buôn Drao, xã Ea Kênh cho biết thêm, trong tù, ông và đồng đội luôn thực hiện 5 không: “không khai báo, không chào cờ địch, không lao động khổ sai, không đeo đính bài (số tù)_ tức là không thừa nhận bản án_ và không xem bản thân mình là tù nhân”. Bà Võ Thị Năm, (bị giam tại nhà tù Phú Tài từ 1972 – 1973) nay đã 68 tuổi ở thôn 4, xã Tân Tiến, khi bị địch bắt, tra tấn vẫn một lòng kiên trung với Đảng, bà nói, chúng nhốt nhiều người trong một phòng giam, đánh đập tra tấn xong, xích lại một chỗ. Để giữ vững ý chí và quên đau đớn, các đồng chí đã tự ứng tác thơ truyền cho nhau đọc, tổ chức các cuộc họp Đoàn, Đảng, liên lạc và nắm bắt thông tin bên ngoài từ các anh em mới bị bắt vào và số được thả ra.
Dũng cảm, kiên cường trong kháng chiến, tiên phong, gương mẫu trong thời bình, đó là phẩm chất của người lính cụ Hồ và cũng là tiêu chí sống của Hội tù yêu nước huyện Krông Pak.

Bà Võ Thị Năm đang chăm sóc vườn rau.
Bà Võ Thị Năm đang chăm sóc vườn rau.

Mặc dù tuổi cao, sức khỏe có hạn, song các hội viên luôn hăng hái tham gia các hoạt động xã hội, hiện có 40/150 hội viên tham gia công tác Đảng, Mặt trận và các đoàn thể địa phương. Nhiều hội viên vẫn hăng hái lao động sản xuất giỏi như ông Bùi Xuân Ngọc, ông Từ Thanh Bông, Bà Võ Thị Năm… thu nhập mỗi năm khoảng 30 - 45 triệu đồng/ người từ trồng trọt và chăn nuôi, góp phần ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống trong mỗi gia đình. Song vui mừng hơn cả là gia đình nào cũng hạnh phúc, biết gìn giữ truyền thống của cha ông. Nhiều người có con cháu học hành giỏi giang, thành đạt, như gia đình bà Trần Thị Thúy  (nữ tù chính trị nhà tù Phú Tài), mặc dù không còn khả năng lao động, ốm đau quanh năm, nhưng 3 người con của bà vẫn được học hành đầy đủ, có người làm giáo viên; cụ Y Ruơ Bkrông cũng vậy, con trai đầu làm công an xã … Nhờ sự quan tâm của Nhà nước và chính quyền địa phương, 150 hội viên Hội tù yêu nước huyện luôn phấn đấu, nỗ lực hết mình không chịu khuất phục trước những hoàn cảnh khó khăn, sống mẫu mực, luôn đi đầu trong mọi phong trào, là gương sáng cho con cháu noi theo. Năm 2009 đã có 124 hộ gia đình hội viên đạt “Gia đình văn hóa” huyện, chiếm 82,6% số hội viên của Hội.

 

Lê Thành

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.